Điện thoại: 0918154511 - Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
banner_thang_11abanner_thang_11bb28-9-2023do_qpbanner_thang_11cbanner_thang_11d
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CÁ NHÂN CỦA THẦY VŨ TUẤN TRÌNH TRƯỜNG THPT LÊ LỢI - BẮC TÂN UYÊN - BÌNH DƯƠNG. CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT THẬT THÚ VỊ!

Tiếp tục giữ vững chủ quyền biển, đảo theo quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài viết của Đỗ Nhật Thiện – Khoa K6 Trường Đại học An ninh nhân dân

Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cấu thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông của đất nước, tạo khoảng không gian quan trọng để kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền. Hiện nay, biển Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 29% diện tích của Biển Đông (3,5 triệu km2) và rộng gấp 3 lần diện tích đất liền (332 nghìn km2). Biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của 07 nước: Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam đã đàm phán phân định ranh giới biển với các quốc gia xung quanh Biển Đông. Nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng trên 3.260 km, từ Móng Cái đến Hà Tiên, gần 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều cảng biển quan trọng, nhiều danh lam thắng cảnh và khu du lịch nổi tiếng. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đều gắn liền với biển, như: du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thủy... Bởi vậy, an ninh biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước .

Thời gian qua, trên Biển Đông đã và đang tồn tại các vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipines, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông, như: đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế… Những hoạt động này đã và đang đe dọa, làm ảnh hưởng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực .

Nhận thức rõ nguy cơ, thách thức nói trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực giải quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã ký nhiều văn bản với các nước liên quan đến biển, đảo, như: Thoả thuận khai thác chung vùng biển chồng lấn với Malaysia; Hiệp định phân định vùng biển chồng lấn với Thái Lan và thực hiện tuần tra chung trên vùng biển chồng lấn; Hiệp định về biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với Inđônêxia; Hiệp định về biên giới trên bộ với Campuchia...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Cụ thể là: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đó, ngày 30/5/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, ngày 05/3/2020 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết số 26/NQ-CP Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; đồng thời tiếp tục nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh biển, đảo, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh một số quan điểm, chủ trương trong quản lý, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới cần được quán triệt sâu sắc, như sau:

- Thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc” . Xác định sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc gia, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng, thế trận an ninh nhân dân, trong đó, sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, lấy khu vực phòng thủ ven biển làm chỗ dựa, lực lượng Hải quân làm nòng cốt; kết hợp sức mạnh của mọi ngành, mọi lực lượng hướng biển, vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh với tinh thần tự lực là chính để quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển; sẵn sàng ngăn chặn, đẩy lùi, đánh thắng các hành động xâm lấn của bất kỳ thế lực nào để bảo vệ biển, đảo.

- Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển” 3. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài, do đó, quan điểm chung trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cần có sự kết hợp sức mạnh trên các mặt trận: Kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, sự đồng tình, đồng thuận, đại đoàn kết toàn dân tộc và sử ủng hộ quốc tế. Kết hợp các biện pháp ngoại giao, pháp lý, thông tin, truyền thông hiệu quả. Chú trọng kiện toàn cơ quan, đội ngũ, cán bộ làm công tác thực thi pháp luật trên biển, phát huy vai trò các biện pháp công tác của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Huy động các nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, trong đó có lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển .


Đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)_Nguồn: Tạp chí cộng sản

- Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật của Nhà nước với quá trình kinh tế - xã hội, các hoạt động trên biển, đảo nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ, các hoạt động đó trong trật tự, theo đúng định hướng của Nhà nước trong việc thăm dò, khai thác các tiềm năng của biển, thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển còn là bảo vệ các quyền của quốc gia về biển phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà nước ta đã ký với các nước có liên quan. Đó là quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng trời, các đảo và quần đảo gắn liền với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển. Nội dung quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bao gồm: bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển, đảo; bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và văn hóa trên biển, đảo và vùng ven biển; tăng cường tiềm lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển, đảo; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển; tăng cường hoạt động pháp lý trên trường quốc tế tạo cơ sở bảo vệ chủ quyền biển, đảo bền vững.

 

Thượng cờ trên biển Hoàng Sa (tỉnh Khánh Hòa) )_Nguồn: Tạp chí cộng sản

- Chúng ta phải khẳng định một lần nữa rằng biển, đảo chính là phần lãnh thổ quan trọng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là đặc biệt quan trọng. Mỗi chúng ta cần nắm vững quan điểm của Đảng, có định hướng lý tưởng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước hết là giữ vững ý chí, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không tin, nghe theo, tiếp tay cho những lời tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt của các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá cách mạng Việt Nam. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cần xây dựng và phát huy tinh thần sẵn sàng tham gia trực tiếp vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn biển, đảo quê hương. Tham gia tích cực công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Tăng cường học tập, nghiên cứu phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế biển, đảo bền vững. Tham gia tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, hải đảo. Quảng bá hình ảnh biển Việt Nam, chung tay xây dựng thương hiệu biển Việt Nam góp phần nâng cao vị thế quốc gia và hội nhập quốc tế trong bảo vệ biển, đảo./.

In bài viết
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

VŨ TUẤN TRÌNH

Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn 
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

1
Bạn cần hỗ trợ?