Tàu chiến hiện đại đầu tiên của Nga sau khi Liên Xô tan rã
Các hộ vệ tên lửa lớp Gepard hiện tại của Hải quân Nga có thiết kế và hệ thống vũ khí đi kèm khác biệt khá lớn so với các tàu Gepard 3.9 đang được Hải quân Nhân dân Việt Nam sử dụng.
Điều này ít nhiều liên quan đến quá trình phát triển lớp tàu chiến này trong đầu những năm 1990 khi Nga chật vật tìm cách hiện đại hóa hạm đội tàu chiến già nua của mình.
Tàu đầu tiên của lớp Gepard hay còn được gọi là Đề án 11661, được khởi đóng từ năm 1991 tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk. Nó được hạ thủy vào tháng 7/1993 nhưng do thiếu kinh phí phải đến mãi tháng 8/2003 Hải quân Nga mới đưa con tàu này vào biên chế chính thức và được đặt tên là "Tatarstan".
Cũng cần phải nói thêm tàu Tatarstan là một trong những tàu chiến mới được Hải quân Nga đóng mới và đưa vào trang bị kể từ sau khi Liên Xô tan rã.
Tàu Tatarstan là nguyên mẫu đầu tiên của lớp Gepard được hoàn thiện với thiết kế khá giống các tàu hộ tống trước đây của Hải quân Liên Xô như Koni, Grisha và Parchim. Bản thân Đề án 1166.1 được Hải quân Nga phát triển cũng là nhằm thay thế các tàu hộ vệ lỗi thời này.
Về mặt tổng thể, tàu Tatarstan không sở hữu thiết kế tàng hình như các tàu Gepard 3.9 của Việt Nam từ phần thân cho đến cấu trúc thượng tầng của tàu. Bên cạnh đó tàu Tatarstan cũng không được thiết kế để mang theo trực thăng săn ngầm lẫn bãi đáp trực thăng phía sau đuôi tàu như Gepard 3.9.
Việc tàu Tatarstan không thể mang theo trực thăng săn ngầm là do cách bố trí hệ thống vũ khí trên lớp tàu chiến này khi toàn bộ phía sau đuôi tàu được dùng để đặt tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm OSA-M cũng như tổ hợp pháo cao tốc đánh chặn tầm gần AK-630. Còn phía trước của tàu là bộ đôi hải pháo AK-176M và một tổ hợp AK-630 khác.
Từ điều này có thể cho thấy ngay từ thời điểm thiết kế Tatarstan, các nhà thiết kế của Nga đã không có ý định trang bị cho con tàu này năng lực tác chiến chống ngầm, mà chỉ tập trung vào năng lực tác chiến phòng không và chống hạm.
Hệ thống vũ khí chống hạm của Tatarstan giống như các tàu Gepard 3.9, sử dụng các tên lửa chống hạm Kh-35 được đặt dọc thân tàu, giống như cách bố trí các cụm ống phóng tên lửa Uran-E (biến thể xuất khẩu của Kh-35) trên các tàu tên lửa lớp Molniya của Việt Nam hiện tại.
Với hệ thống vũ khí như vậy, năng lực tác chiến trên biển của Tatarstan không có gì quá nổi bật số với các tàu chiến của Nga cùng thời và cũng không mấy hấp dẫn trong mắt Hải quân Nga. Chính điều này đã buộc Zelenodolsk phải có thay đổi nhất định trong thiết kế lớp Gepard nếu như muốn Hải quân Nga mua thêm tàu mới cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Điều này được thấy rõ qua sự thay đổi trong thiết kế trên các tàu Gepard tiếp theo. Cụ thể hơn ở đây là sau khi hoàn thiện cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên cho Việt Nam, Nhà máy Zelenodolsk bắt đầu nâng cấp tàu Gepard thứ hai có tên "Dagestan" cho Hải quân Nga dựa trên những kinh nghiệm họ thu nhận được từ việc đóng tàu Tatarstan cũng như các tàu Gepard 3.9.
Mặc dù được đóng trước các tàu Gepard 3.9 của Việt Nam tới tận 13 năm (từ 1994-2011) thế nhưng Dagestan lại được hạ thủy sau cặp tàu Tàu 011 Đinh Tiên Hoàng và Tàu 012 Lý Thái Tổ của HQVN.
Như vậy, có thể thấy bên cạnh vấn đề về ngân sách, Nhà máy Zelenodolsk vẫn chưa thể có một phương án thiết kế tốt nhất cho Dagestan đến khi họ bắt đầu phát triển Gepard 3.9.
Chính thiết kế của Dagestan sau này đã ít nhiều nói lên việc vì sao con tàu này mất tới gần 20 năm mới có thể biên chế cho Hải quân Nga và so với cấu hình vũ khí trên Tatarstan - tàu Dagestan có sự khác biệt quá lớn.
Tàu hộ vệ tên lửa Dagestan, một trong những tàu chiến đầu tiên của Hải quân Nga được trang bị tên lửa hành trình Kalibr. Ảnh: ShipSpotting.com.
Dagestan được trang bị cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng mang tới 8 tên lửa hành trình Kalibr có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau với tầm bắn lên đến hơn 1.000km.
Tổ hợp tên lửa OSA-M phía sau đuôi cũng bị thay bằng tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU như trên Gepard 3.9, tuy nhiên cấu hình vũ khí trên Dagestan chỉ có vậy.
Về thiết kế tổng thể, tàu Dagestan có hình dáng bên ngoài gần giống Gepard 3.9 với khả năng tàng hình nhẹ, cấu trúc thượng tầng cũng được hoàn thiện tốt hơn so với Tatarstan. Điểm thiếu sót nhất trong thiết kế của Dagestan có lẽ chính là việc nó không được trang bị bãi đáp dành cho trực thăng săn ngầm.
Từ trường hợp của Gepard - lớp tàu hộ vệ đầu tiên được công nghiệp quốc phòng Nga khởi đóng sau khi Liên Xô tan rã có thể thấy Đề án 11661 được Hải quân Nga sử dụng một phương tiện để thử nghiệm các loại vũ khí thế hệ mới đặt tiền đề quan trọng cho kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu chiến của Moscow 20 năm sau đó.
Từ "thành công" của lớp tàu hộ vệ Gepard, các tàu chiến thế hệ mới như Buyan, Buyan-M, Steregushchiy, Karakurt và Đề án 22160 liên tiếp được Hải quân Nga đưa vào trang bị sau đó chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Về phía các tàu Gepard 3.9, dù chúng không được trang bị cấu hình mạnh nhất của lớp Gepard nhưng Việt Nam lại đang sở hữu các biến thể mạnh và có khả năng tác chiến toàn diện nhất phù hợp với yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân trong tình hình mới.
Tàu 016 Quang Trung: Lớn và hiện đại nhất Việt Nam
Trong số các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Nhân dân Việt Nam, thì bộ đôi Tàu 015 Trần Hưng Đạo và Tàu 016 Quang Trung được đánh giá có năng lực tác chiến toàn diện nhất. Sở dĩ nói như vậy là bởi ngoài hệ thống vũ khí tiêu chuẩn như trên thì các cặp tàu Gepard còn được trang bị thêm vũ khí chống ngầm cực mạnh.
Ngoài hệ thống vũ khí tiêu chuẩn như cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên, Tàu 015 và 016 còn được trang bị thêm cụm ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm PTA-53-11661.
PTA-53-11661 được đánh giá là sự bổ sung tuyệt vời cho các tàu Gepard 3.9 của Việt Nam giúp nâng cao đáng kể năng lực tác chiến chống ngầm cho tàu, bên cạnh việc sử dụng trực thăng Ka-28 vốn có năng lực chống ngầm hạn chế. Điều đặc biệt hơn cả là không có tàu Gepard nào của Hải quân Nga được trang bị hệ thống vũ khí này.
Ngoài thiết kế tàng hình nổi trội thì điểm khiến các tàu Gepard 3.9 được đánh giá mạnh hơn tàu Tatarstan chính là việc chúng sở hữu năng lực tác chiến đa năng trên biển: Từ chống hạm, chống ngầm cho đến phòng không - xứng đáng với danh hiệu lớp tàu chiến lớn và hiện đại nhất Việt Nam.
Hiện tại các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam với cấu hình vũ khí cao nhất được trang bị một hải pháo AK-176M, một tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU, 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E, hai tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630M và hai cụm ống phóng ngư lôi 533mm PTA-53-11661, được bố trí cân đối đầu, phía đuôi và dọc thân tàu.
Ngoài ra, cấu trúc thượng tầng của tàu còn là nơi bố trí các hệ thống trang thiết bị trinh sát điện tử như radar cảnh giới nhìn vòng Pozitiv-ME1 chuyên nhiệm trinh sát đối hải và đối không, radar điều khiển hỏa lực cho tên lửa chống hạm Mineral-ME, radar điều khiển hỏa lực MR-123 cho hải pháo AK-176M và vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU.
Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.