I.NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHẠY VŨ TRANG
1.Đặc điểm chạy vũ trang
+ Chạy vũ trang là một môn vận động nặng, tiêu hao nhiều năng lượng, động tác chạy hơi gò bó vì mang vác vũ khí, trang bị.
+ Chạy vũ trang có mang, vác vũ khí trang bị nên bước chạy ngắn hơn và tốc độ chạy chậm hơn so với chạy thông thường.
+ Chạy vũ trang có thể được tiến hành trong những điều kiện và địa hình khác nhau như chạy trên đường bằng, lên dốc, xuống dốc; chạy trong rừng, trên đường mấp mô, lầy lội; có thể có những khúc cua theo nhiều hướng,
2.Cách mang trang bị, vũ khí
+ Cách 1: Vác súng trên vai: Tay nắm lấy nòng súng (cách đầu ngắm 10 – 15 cm), đặt súng nằm trên vai.
+ Cách 2: Đeo súng (dưới nách): Khoác dây súng lên vai, súng nằm cân bằng dưới nách (cao hơn xương hông), mũi súng hướng về phía trước. Tay ở phía vai đeo súng co lên, bàn tay nắm nòng súng để súng chắc chắn trong khi chạy.
3. Kĩ thuật thở
+ Thở trong chạy vũ trang hết sức quan trọng, vì vậy, người chạy phải chủ động ngay từ đầu. Nếu thở nông và không đúng nhịp dẫn tới hiện tượng mệt mỏi, thành tích sẽ bị kém trong khi chạy.
+ Trong khi chạy, hít vào bằng mũi thật nhanh, mạnh và sâu; khi thở ra bằng miệng thì chậm và từ từ. Khi muốn tăng tốc độ, cần phải tăng nhịp thở và phối hợp tốt kĩ thuật hít vào, thở ra.
+ Nhịp thở tuỳ thuộc vào từng người tập và tốc độ chạy. Thường chạy kết hợp với thở sâu theo nhịp 2/2 hoặc 3/3 (hít vào 2 nhịp bằng mũi, thở ra 2 nhịp bằng miệng hoặc hít vào 3 nhịp bằng mũi, thở ra 3 nhịp bằng miệng).
+ Khi chạy vũ trang, người chạy thường gặp hiện tượng cực điểm, đó là biểu hiện tức thở, tay cứng đờ tưởng như không thể tiếp tục chạy. Khi gặp hiện tượng này, người chạy cần có nghị lực để vượt qua, có thể giảm tốc độ, đồng thời tích cực thở sâu, cảm giác dễ chịu sẽ trở lại.
II. KĨ THUẬT CHẠY VŨ TRANG
1. Các giai đoạn chạy vũ trang
+ Giai đoạn xuất phát
Khi có lệnh “Vào vị trí”, người tập đến vạch xuất phát, chân thuận đứng sát vạch xuất phát, khớp gối hơi trùng, trọng lượng dồn đều vào hai chân, thân trên hơi ngả về trước, thở đều, tập trung nghe lệnh của GV (Hình 9.4).
Khi có lệnh “Sẵn sàng”, hai đầu gối chùng thấp hơn, trọng tâm thân người dồn vào chân trước, hai gót chân kiễng, mắt nhìn về phía trước (Hình 9.5).
Khi có lệnh “Chạy”, kết hợp sức bật của hai chân và toàn thân, nhanh chóng rời khỏi vạch xuất phát (Hình 9.6).
+ Giai đoạn chạy sau xuất phát
Những bước đầu tiên, thân người lao về trước với góc độ lớn (Hình 9.7a), sau đó giảm dần, đầu giữ thẳng, mắt nhìn về trước (Hình 9.7b) và chuyển sang chạy thoải mái ở giai đoạn chạy giữa quãng.
+Giai đoạn chạy giữa quãng
Thực hiện chạy giữa quãng với độ dài và tần số bước chân tương đối đều. Khi đạp sau cần phối hợp hoạt động của các nhóm cơ đùi, cẳng chân, bàn chân để đảm bảo chân sau được duỗi thẳng hoàn toàn, đùi của chân lăng thoải mái đưa về trước và kết thúc cùng lúc đạp sau. Kết thúc đạp sau, chân đạp duỗi thẳng hoàn toàn, đùi của chân đạp song song với cẳng chân lăng, đồng thời chân lăng bắt đầu hạ xuống, cẳng chân hơi đưa về trước và chạm đất bằng mũi bàn
chân, động tác đánh tay nhịp nhàng với bước chân, góc độ khuỷu tay khoảng 90°, các ngón tay nắm hờ (Hình 9.8)
+Giai đoạn chạy về đích
Khi gần về đích, người tập phải phát huy hết tốc độ để chạm dây đích. Người tập đánh đích bằng ngực (Hình 9.9) hoặc bằng vai (Hình 9.10).
Khi qua đích, không dừng lại đột ngột mà phải chạy chậm dần rồi đi bộ, thả lỏng cơ thể để cơ thể dần trở về trạng thái bình thường.
2. Vận dụng kĩ thuật chạy vũ trang ở một số địa hình
+ Chạy lên dốc: Khi cách dốc 10 – 15 m, người chạy tăng dần tốc độ để lấy đà, thân người ngả về trước, tuỳ theo độ dốc của đường chạy mà ngả thân người nhiều hay ít, tiếp đất bằng nửa bàn chân trước, chạy bước ngắn, đầu gối nhấc cao hơn khi chạy ở địa hình bằng phẳng.
+ Chạy xuống dốc: Người hơi ngả ra sau, tuỳ theo độ dốc của đường chạy mà ngả thân người nhiều hay ít, tiếp đất bằng cả bàn chân, đầu gối nhấc thấp hơn khi chạy ở địa hình bằng phẳng, chạy bước dài với tốc độ vừa phải để bảo đảm an toàn.
+ Chạy qua các đoạn đường trơn: Người chạy phải luôn quan sát mặt đường, giảm tốc độ, thực hiện chạy bước ngắn, tiếp đất bằng cả bàn chân và tay đánh rộng để giữ thăng bằng.
Chạy trên cát hoặc đất xốp: Người chạy thực hiện chạy bước ngắn, thân ngả về phía trước, tiếp đất bằng nửa bàn chân trước.
3. Xử lí một số tình huống trong khi chạy vũ trang
+ Khi bị ngất: Đưa người chạy vào nơi thoáng mát, đồng thời nới lỏng quần áo để máu lưu thông. Hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực giúp nạn nhân tỉnh lại. Nếu nạn nhân bị nặng, phải đến cơ sở y tế gần nhất để xử lí.
+ Sốc nhiệt: Đưa người chạy vào nơi thoáng mát, đồng thời nới lỏng quần áo để dễ thở. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể người bị sốc nhiệt. Có thể phun nước vào người, sử dụng quạt, dùng nước đá chườm lạnh. Cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều. Đồng thời phải gọi ngay xe cấp cứu và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
+ Chuột rút: Người chạy cần nghỉ ngơi, cố gắng hít thở sâu và thả lỏng bắp thịt đang bị co rút. Dùng ngón tay cái ấn mạnh vào vùng cảm thấy đau nhất, cơn đau sẽ dịu đi ngay sau đó.
+ Căng cơ: Người chạy cần nghỉ ngơi để chân được thư giãn, sau đó mới tiếp tục luyện tập.
+ Bong gân: Người chạy cần nghỉ ngơi dùng băng thun băng ép phần khớp bị chấn thương để cố định khớp, giảm đau và giảm sưng, sau đó chườm lạnh bằng đá hoặc nước mát làm dịu cơn đau.
Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.