BÀI 7 : TÌM VÀ GIỮ PHƯƠNG HƯỚNG
I. TÌM PHƯƠNG HƯỚNG
1. Ý nghĩa
HS đọc thông tin trong SGK, nghe GV phân tích nội dung.
HS hiểu được ý nghĩa của việc tìm phương hướng trong cuộc sống và trong hoạt động quân sự.
2. Kĩ thuật tìm phương hướng
a) Sử dụng địa bàn, bản đồ
− Sử dụng địa bàn
Đặt địa bàn lên vị trí bằng phẳng. Từ từ xoay địa bàn sao cho đầu bắc kim nam châm chỉ vào đúng số “0” trên mặt số địa bàn hoặc đúng vạch chuẩn trên địa bàn thì dừng lại. Ngắm từ khe ngắm qua đầu ngắm ra ngoài thực địa là hướng bắc (với loại địa bàn có cấu tạo bộ phận đầu ngắm, khe ngắm). Khi biết được hướng bắc sẽ tìm được các hướng khác.
− Sử dụng bản đồ
+ Định hướng bản đồ dựa vào địa vật dài thẳng
Chọn một địa vật dài thẳng (đoạn thẳng) ngoài thực địa dễ quan sát và được thể hiện bằng kí hiệu trên bản đồ như: đoạn đường, bờ sông, suối, mương, đường dây điện, đường ống nước, cạnh tường bao,…
Từ từ xoay bản đồ kết hợp mắt quan sát hướng của địa vật dài thẳng (đoạn thẳng) trên bản đồ trùng (khi ta đứng trên địa vật) hoặc song song (khi ta đứng ngoài địa vật) với hướng của địa vật dài thẳng đó ngoài thực địa.
+ Định hướng bản đồ dựa vào đường phương hướng giữa hai địa vật
Chọn được hai địa vật ở cự li gần dễ quan sát ngoài thực địa và có kí hiệu trên bản đồ như: nhà độc lập, cây độc lập, điểm cao,... Nối hai địa vật đã chọn trên thực địa bằng đường thẳng tưởng tượng (đường phương hướng giữa hai địa vật).
Đặt cạnh thước (hoặc que thẳng) qua vị trí chính xác của hai địa vật đã chọn trên bản đồ.
Từ từ xoay bản đồ, kết hợp mắt quan sát khi thấy cạnh thước (hoặc que thẳng) trùng (khi ta đứng trên đường phương hướng) hoặc song song (khi ta đứng ngoài đường phương hướng) với đường phương hướng giữa hai địa vật ngoài thực địa thì dừng lại.
b) Dựa vào Mặt Trời
− Dựa vào Mặt Trời và đồng hồ đeo tay
Dùng một que nhỏ (cỡ cây tăm) cắm vuông góc với mặt đất, que sẽ cho một cái bóng. Đặt đồng hồ sao cho bóng của que trùng lên kim chỉ giờ. Đường phân giác của góc hợp bởi kim chỉ giờ và số 12 sẽ cho hướng nam (N), như vậy hướng đối diện là hướng bắc (B).
− Dựa vào Mặt Trời và gậy
Cắm một cây gậy thẳng, vuông góc xuống mặt đất, đỉnh bóng ban đầu của gậy đánh dấu là T. Đợi khoảng 15 phút sau, bóng gậy sẽ khác đi. Đỉnh bóng của gậy lúc này sẽ đặt là Đ. Nối T với Đ được đoạn thẳng TĐ. Bên T là hướng tây, bên Đ là hướng đông.
c) Dựa vào Mặt Trăng và sao
− Dựa vào Mặt Trăng
Vào những ngày đầu tháng âm lịch, Mặt Trăng khuyết về hướng đông và những ngày cuối tháng âm lịch, Mặt Trăng khuyết về hướng tây.
− Dựa vào sao Bắc Cực
Sao Bắc Cực nằm ở gần chính hướng bắc, có vị trí tương đối ổn định, sáng và rõ. Lấy sao Bắc Cực làm chuẩn, kéo một đường thẳng xuống đường chân trời là hướng bắc.
Muốn tìm sao Bắc Cực, trước tiên cần phải tìm chòm sao Đại Hùng tinh (gấu lớn) và chòm sao Tiểu Hùng tinh (gấu nhỏ).
Đại Hùng tinh giống như một cái muôi to có cán, gồm 7 ngôi sao sáng (hai ngôi dưới cùng gọi là sao A và sao C). Kẻ một đường thẳng tưởng tượng qua 2 ngôi sao A và C, khoảng cách gấp 5 lần AC sang phải là sao Bắc Cực.
d) Dựa vào đặc điểm thực vật
Dựa vào mật độ rêu mọc: ở các tảng đá độc lập và các công trình xây dựng lâu năm, rêu thường mọc ở hướng bắc nhiều hơn các hướng khác.
Dựa vào sự phát triển của cây độc lập: ở cây độc lập, tán lá ở hướng nam thường xanh tốt và phát triển nhanh hơn các hướng khác. Vỏ cây ở hướng bắc thường xù xì và nhiều rêu hơn các hướng khác. Ở những gốc cây bị cưa, vòng tròn lõi cây (vòng tuổi của cây) ở hướng nam rộng hơn hướng bắc.
Măng tre, mầm chuối thường mọc ở hướng đông nhiều và to hơn các hướng khác. Hoa hướng dương thường quay về hướng đông.Tiểu Hùng tinh gồm có 7 ngôi sao, trong đó sao Bắc Cực ở phía dưới cùng (đây là ngôi sao to và rõ nhất trong Tiểu Hùng tinh).
II. GIỮ PHƯƠNG HƯỚNG
1. Ý nghĩa
HS đọc thông tin trong SGK, nghe GV phân tích nội dung.
HS hiểu được ý nghĩa của việc tìm phương hướng trong cuộc sống và trong hoạt động quân sự.
2. Cách giữ phương hướng
− Trước khi di chuyển
Nắm chắc điểm định đến, cự li, đường và hướng đi từng chặng (nếu phải đi nhiều chặng); đặc điểm, vật chuẩn trên đường đi.
Chuẩn bị đầy đủ, tỉ mỉ mọi thứ cần thiết (địa bàn, bản đồ,...) để xác định và giữ phương hướng được thuận lợi.
− Quá trình di chuyển
Thường xuyên xác định và nắm chắc phương hướng, địa hình, vật chuẩn, những nơi phát ra ánh sáng, tiếng động để xác định đường, hướng di chuyển chính xác.
Dựa vào các vật chuẩn dễ nhìn thấy (đỉnh núi, cây độc lập,...) và hướng chuẩn để đi đúng hướng; ghi nhớ hoặc đánh dấu những vị trí, hướng đã đi qua, nhất là ở những nơi dễ bị lạc.
Nếu có nhiều người cùng đi, cần phải bám sát người đi trước hoặc theo dõi đường đi, dấu vết, vật đánh dấu chỉ đường của người đi trước để đi theo.
Nếu ở trong rừng, hãy xác định một đường thẳng tưởng tượng xuyên qua một số vật chuẩn dễ nhận thấy (gốc cây, tảng đá,...) để đi tới từng điểm chuẩn. Trường hợp sương mù, ban đêm không nhìn thấy vật chuẩn cần dùng địa bàn (nếu có) chiếu hướng đi từng chặng nhỏ; cúi thấp người để dễ quan sát các vật chuẩn.
Khi gặp vật cản (ao, hồ, đầm lầy, khu công nghiệp,...) cần căn cứ vào tình hình để vòng vượt hoặc rẽ góc vuông, rẽ theo hình tam giác cân kết hợp tính cự li (đếm bước chân,...) để vượt qua vật cản.
− Cách xử lí khi bị lạc hướng
Bình tĩnh và xác định lại chính xác vị trí bắt đầu lạc hướng, nhớ lại đặc điểm địa hình, địa vật nơi đã đi qua.
Có thể quay lại vị trí bắt đầu bị lạc rồi xác định lại hướng đi hoặc xác định hướng đi tại điểm bị lạc để đi tắt đến đường cũ hay đi thẳng đến nơi cần đến.
Nếu lạc ở trong rừng, cần xác định phương hướng bằng Mặt Trời, hướng gió, sự phát triển của cây độc lập,... và có thể đi theo đường mòn, dòng suối,... để ra khỏi khu vực bị lạc. Ban đêm có thể dựa vào Mặt Trăng và sao hoặc nơi phát ra ánh sáng, tiếng động để xác định phương hướng.
Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.