1. Các di tích cấp Quốc gia:
1.1. Di tích Quốc gia Chiến khu Đ (Ngày nay, khu nhà tưởng niệm được đặt tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
- Chiến khu Đ là một căn cứ quân sự ở miền Đông Nam Bộ của Mặt trận Việt Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương, và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Chiến khu được thành lập vào tháng 2 năm 1946, bao gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Tân, Lạc An (nay thuộc huyện Tân Uyên, Bình Dương). Cuộc kháng chiến phát triển, Chiến khu Đ ngày càng mở rộng lên vùng rừng núi hiểm trở từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến gần sát các thành phố Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Là căn cứ của cơ quan chỉ đạo kháng chiến miền Nam. Chiến khu Đ một thời được mệnh danh là "vùng đất chết".
- Về ý nghĩa của tên gọi, có nhiều cahs lý giải:
+ Nhiều khu vực miền Nam Việt Nam của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp mang mật danh A, B, C, D:
* A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc,
* B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang,
* C là khu bộ đội thường trực đóng ở Ông Đội,
* D là khu Tổng hành dinh khu 7 đóng ở hố Ngãi Hoang.
+ Từ đó, chiến khu Đ trở thành căn cứ địa của chiến khu 7 – một tổ chức hành chính – quân sự của các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn, do Trung tướng Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và Trần Xuân Độ làm Chính ủy. Ban đầu, Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ của khu. Dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển ở miền Đông Nam Bộ.
- Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng chữ Đ ở đây mang ý nghĩa là "đỏ", hàm ý là vùng chiến khu cách mạng kiên cường, tập trung những cơ quan đầu não kháng chiến quan trọng, một "địa chỉ Đỏ" của cả nước. Hoặc chữ Đ là viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi thi tướng Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ đầu tiên. Hoặc chữ Đ là viết tắt chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu Đầu tiên...
- Chiến khu Đ được coi là trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ như tiểu đoàn 800, trung đoàn 762, sư đoàn 9, sư đoàn 5. Tên Chiến khu Đ gắn liền với những chiến công vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam Bộ (các chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long). Sự tồn tại và phát triển của nó đã góp phần vào thắng lợi chung của hai cuộc chiến Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
- Về phương diện chính trị, tinh thần, Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của dân Việt, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người dân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
- Lê Duẩn, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá vị trí chiến lược của Chiến khu Đ: "Miền rừng núi Đông Nam bộ và Khu VI đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như khu căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp."
Căn cứ cách mạng – Chiến khu D
Ảnh chụp từ sách Di tích Danh thắng Bình Dương
Khu tưởng niệm Chiến khu D ngày nay. Ảnh tác giả. |
Ngày nay, khu tưởng niệm được quy hoạch với diện tích hơn 30 hecta trên quê hương Bắc Tân Uyên anh hùng, cũng là địa phương của Chiến khu Đ năm xưa.
Cổng chào khu tưởng niệm ở Đất Cuốc, Bắc Tân Uyên. Ảnh tác giả. |
1.2. Di tích Quốc gia về lịch sử-văn hóa Dốc Chùa (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Là di tích tiêu biểu nền văn hóa Đồng Thau ở hạ lưu Sông Đồng Nai.
Di tích khảo cổ Dốc Chùa (Cầu Chùa) nằm bên bờ sông Đồng Nai, trên đường liên tỉnh lộ Tân Uyên đi Lạc An, thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Có tọa độ địa lý vĩ Bắc 11003’50’’, kinh độ Đông 106049’40’’ trên sườn đồi có phạm vi phân bố là 80m. Bề mặt của sườn đồi có độ cao khoảng 20m so với mặt nước biển và 14m so với mặt nước sông Đồng Nai. Dốc Chùa, được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là một trung tâm kim khí thời tiền sử ở Đông Nam Bộ, được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích Khảo cổ học cấp Quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001. Là địa điểm khảo cổ tiêu biểu cho nền văn hóa đồng thau ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Tổng diện tích là 10.788,31m2.
Theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh (Trưởng bộ môn Khảo cổ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), di tích khảo cổ học Dốc Chùa là di tích cư trú và mộ táng nổi tiếng tầm cỡ nhất Đông Nam Á.
Các nhà khảo cổ học khai quật Dốc Chùa đã chia quá trình cư trú của người cổ nơi đây thành hai giai đoạn sớm và muộn, căn cứ vào tầng văn hóa và các nét khác biệt trong di vật khảo cổ giữa hai giai đoạn. Tại đây cũng có mẫu than được phân tích C14 cho các kết quả niên đại như sau: 3.145 + 130 năm cách ngày nay với mẫu lấy thử ở độ sâu 1m thuộc giai đoạn cư trú sớm. 2.495 + 50 năm cách ngày nay với mẫu lấy thử ở độ sâu 0,5m thuộc giai đoạn cư trú muộn.
Các kết quả phân tích này cũng phù hợp với nhận định của những người khai quật với khung niên đại 3.000 năm đến 2.500 năm cách ngày nay. Dốc Chùa (lớp sớm) được xếp vào trung kỳ thời đại đồng thau, còn lớp muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đồng thau, sơ kỳ sắt.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÔNG TÁC KHẢO CỔ
VÀ HIỆN VẬT TÌM THẤY TẠI KHU DI TÍCH DỐC CHÙA
Tượng thú (di tích khảo cổ Dốc Chùa) – Bảo vật quốc gia. Ảnh tư liệu |
Khuôn đúc - di tích khảo cổ Dốc Chùa. Ảnh tư liệu |
Các hiện vật tìm thấy tại di tích khảo cổ Dốc Chùa. Ảnh tư liệu |
Xử lý hố khai quật H2-2018 Ảnh Lê Hoàng Phong. |
2. Các di tích cấp tỉnh:
2.1. Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)
Khu mộ cổ Trần Thượng Xuyên hiện tọa lạc tại làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnhBình Dương. Ảnh Tác giả. |
Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720, người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông nguyên là Tổng lãnh binh ba châu Cao - Lôi - Liêm. Năm 1649, vương triều Minh ở Trung Quốc sụp đổ. Năm 1679, sau khi phất cờ “bài Mãn phục Minh” thất bại, ông đem hơn 3.000 quân thân tín cùng gia quyến trên 50 thuyền đến Đại Việt xin thuần phục. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố lúc này đang còn hoang sơ.
Sự kiện này được một số sử sách cho biết như sau: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (…) họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn (…) Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai (…). Bọn tướng Long Môn họ Dươngđem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai” (Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110)
Trần Thượng Xuyên đưa lực lượng của mình đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố (địa phận Bàn Lân). Cùng nhóm lưu dân người Việt đến trước, ông và lực lượng trong đoàn tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất, kinh tế phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (còn gọi là Cù lao Phố) trở thành thương cảng phồn thịnh, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế vào bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ. Trần Thượng Xuyên đã nhiều lần chỉ huy quân lính đánh quân Chân Lạp quấy phá, xâm nhiễu biên giới, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt. Năm 1715, Trần Thượng Xuyên lại cùng với Nguyễn Cửu Phú đi đánh dẹp quân của Nặc Ông Thâm, hạ được thành La Bích.
Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch - khoảng năm Canh Tý (1720), an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc ấp Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông được người dân tôn kính thờ làm Thành hoàng tại đình Tân Lân. Ghi nhớ công lao của Trần Thượng xuyên, nhà Nguyễn ban phong nhiều danh hiệu cao quý “Trần vi tướng, đại đại công thần bất tiệt”, liệt vào bậc Thượng Đẳng thần.
Năm 2004, khu mộ cổ Trần Thượng Xuyên được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Bãi đất hoang nơi có “mã Chệt” trước khi phát lộ tìm thấy mộ cổ. (ảnh tư liệu do Ban Qúy tế đình Tân Lân cung cấp)
|
Tấm bia đá hoa cương cao 2m2, rộng 1m70, phía trước ghi chữ Việt, phía sau ghi chữ Hán thể hiện tiểu sử và công trạng của danh tướng Trần Thượng Xuyên. Ảnh: Lê Quốc
|
2.2. Miếu Bà Đất Cuốc (Ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
- Tọa lạc tại ấp Suối Sâu, trên khoảng đất có tổng diện tích 1.781m2, miếu Bà được người dân địa phương lập vào năm 1919. Miếu được lập nên và thờ năm vị thần Ngũ Hành Nương Nương. (Tại sao miếu được lập nên và lại thờ năm vị thần Ngũ Hành Nương Nương thì không ai biết rõ, chỉ biết ở đây ngoài cơ sở miếu bà ra thì từ xưa đến nay trên địa bàn Đất Cuốc không còn cơ sở tín ngưỡng nào khác). Theo các cụ cao niên, thì nguyên trước đây vùng Đất Cuốc là rừng rậm thiêng liêng và nhiều thú dữ, để tạ ơn đất trời, những đấng linh thiêng khác giúp họ vượt qua những trở ngại thử thách, ổn định cuộc sống... bà con tụ cư vùng Đất Cuốc này người có của, góp công cùng lập nên ngôi miếu Bà - nơi gửi gắm niềm tin vào các đấng siêu nhiên, thỏa lòng tín ngưỡng và kỳ vọng của cộng đồng.
- Sau năm 1945, Tại quận Tân Uyên, tiểu đội vũ trang của đống chí Chín Qùy, bộ phận kháng chiến quận của đồng chí Cao Văn Bổ, tự vệ chiến đấu các xã, công nhân cao su Phước Hòa… lần lượt đến gia nhập bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Lực lượng vũ trang toàn huyện được thống nhất lại và nhiều lực lượng yêu nước khác như Ban tiếp tế miền Đông, các đơn vị tự vệ của tổng công đoàn Nam bộ, công nhân xưởng Ba Son, đề Pô Dĩ An, BIF Biên Hòa…. thành bộ đội Huỳnh Văn Nghệ gọi là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, đóng căn cứ tại 05 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa) được bổ sung thêm lực lượng ta mở trại huấn luyện tại Miếu Đất Cuốc (Miếu Bà Đất Cuốc), xã Tân Hòa cũ – nay là Miếu Bà ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tại đây, Trường huấn luyện Quân chính ra đời vào năm 1945 và góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển, đào tạo lực lượng vũ trang nòng cốt cho các phong trào chống Pháp tại Tân Uyên về sau.
- Trại huấn luyện tại Miếu Đất Cuốc ra đời hàng trăm thanh niên tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, sinh viên được trang bị những kiến thức quân sự cơ bản. Học viên học xong, một nữa trở về các xã làm nồng cốt cho du kích địa phương, một nữa ở lại gia nhập bộ đội. Đến cuối tháng 11 năm 1945, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tổ chức thành 4 phân đội, gọi là vệ quốc đoàn Biên Hòa, hoạt động chủ yếu trong phạm vi quận Tân Uyên.
- Miếu bà là một trong những điểm tập trung hoạt động cách mạng tại cái nôi của Chiến khu Đ trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Một địa điểm quan trọng xây dựng lực lượng, nuôi nấng cán bộ, chiến sĩ cách mạng góp phần hình thành nên địa danh Chiến khu Đ oai hùng!
- Tại miếu bà đất cuốc có nhân vật nổi tiếng từng sống và hoạt động cách mạng, có Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, đồng chí Nguyễn Bình,… Và rất nhiều, rất nhiều đồng bào Đất Cuốc đã tham gia vào công cuộc giải phóng quê hương, họ đã ngã xuống vì mãnh đất thân yêu của mình, nhiều người đã để lại tên tuổi như Lê Văn Nghe (sinh năm 1936), Lê Văn Rãnh (1934), Lê Văn Huơng (1918), Nguyễn Văn Ề, Lê Thị Phẩm (1927), Nguyễn Thị Bông (1934), Huỳnh Văn Thới (1927), Phan Thị Hận… làm sáng ngời địa danh Đất Cuốc, góp phần làm nên Chiến khu Đ đi vào huyền thoại.
- Cứ địa cách mạng Miếu bà Đất Cuốc là nơi thành lập Trường Quân chính, nơi đào tạo bao lớp thanh niên tiền phong học tập, huấn luyện và góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẽ vang, đặc biệt là miếu bà nằm trong vùng căn cứ chiến khu Đ, đã làm nên kỳ tích Chiến khu Đ oai hùng trong hai thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược. Và là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống mang đậm nét tín ngưỡng dân gian người Việt.
- Nhân dân ở vùng Đất Cuốc cũng như bao người dân khác trong vùng Chiến khu Đ luôn phát huy truyền thống chung của dân tộc Việt. Họ vẫn bảo lưu và gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, mang đậm tín dân gian. Song song đó là lòng tin sắt đá vào lẽ phải và ý chí kiên cường, sẵn sàng xả thân bảo vệ niềm tin. Đó là tinh thần thượng võ, thích tự do phóng khoáng nghĩa hiệp đầy khí phách và rất giàu lòng yêu thương nhân hậu tương trợ đùm bọc lẫn nhau... đó là sự đam mê, kiên nhẫn và sáng tạo trong lao động, sản xuất, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên không ngừng.
Bia công nhận di tích cấp tỉnh ở Di tích Miếu Bà Đất Cuốc Ảnh: Internet – du lịch Bình Dương
|
- Chính quyền, Ban nghi lễ và nhân dân địa phương luôn quan tâm và bảo quản tốt ngôi miếu. Với ý nghĩa và giá trị tiêu biểu đó, miếu Bà Đất Cuốc đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng là một di tích lịch sử - văn hóa cấp
tỉnh, theo quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28/01/2011. Miếu Bà hiện tồn là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho sự ra đời của một căn cứ kháng chiến đi vào huyền thoại đó là Chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là chiến trường căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
2.3. Khu tưởng niệm Căn cứ Bàu Gốc (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Bia tưởng niệm khu di tích Bàu Gốc
Ảnh tư liệu
- Bàu Gốc là một địa danh lịch sử thuộc vùng căn cứ Chiến khu Đ, nơi gắn liền lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Đông Nam bộ nói chung, xã Bình Mỹ và lực lượng Công an tỉnh Bình Dương nói riêng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về địa danh Bàu Gốc: Tên gọi “Bàu Gốc” khởi nguồn từ việc người dân địa phương thường dùng các gốc cây đặt dưới bàu nước để giữ đăng bắt cá. Từ đó, “Bàu Gốc” đã trở thành địa danh gắn liền với lịch sử của vùng đất và con người nơi đây.
- Căn cứ Bàu Gốc là nơi tổ chức hoạt động, phát triển lực lượng và chiến đấu của lực lượng Công an tỉnh Bình Dương trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây ghi dấu những chiến công hiển hách, mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh nhà. Theo các nhân chứng lịch sử, địa điểm Khu tưởng niệm Căn cứ Bàu Gốc hiện nay không phải là vị trí chính của Căn cứ Bàu Gốc năm xưa, mà nó chỉ đóng vai trò là trạm tiền tiêu của tất cả các đơn vị đóng quân trên địa bàn thời ấy, trong đó có lực lượng công an tỉnh.
- Tháng 11 năm 1972, khi có quyết định giải thể phân khu V, thành lập lại tỉnh, Ban an ninh Phân khu V trở thành Ban an ninh tỉnh Thủ Dầu Một. Tháng 12 năm 1974, Ban an ninh của tỉnh chuyển về Căn cứ Bàu Gốc của xã Bình Mỹ xây dựng căn cứ. Tại căn cứ này, Ban an ninh tỉnh tập trung xây dựng và phát triển lực lượng, mở nhiều cuộc họp tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
- Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một, từ 20/4 đến 26/4/1975 tại căn cứ Bàu Gốc xã Bình Mỹ, Ban An ninh tỉnh liên tiếp mở các cuộc họp nhằm xây dựng kế hoạch tiến công chiếm tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, thống nhất kế hoạch và lập tiểu ban tiếp quản gồm các đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban An ninh tỉnh phụ trách chung cùng các đồng chí Võ Sỹ Lâm, Đỗ Văn A, Phạm Quang Khánh, Trần Đức Hùng và cán bộ An ninh vũ trang làm nòng cốt, chia thành ba cánh quân đánh vào các mục tiêu quan trọng. Rạng sáng ngày 27/4/1975, các cánh quân của ta đồng loạt tiến thẳng vào các mục tiêu đã phân công. Đúng 10 giờ ngày 30 tháng 4, lực lượng An ninh tỉnh Thủ Dầu Một dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh đã chiếm lĩnh hoàn toàn ba mục tiêu trọng yếu và thu toàn bộ hồ sơ tài liệu của địch.
- Trong khuôn viên Khu tưởng niệm Căn cứ Bàu Gốc hiện nay có sự tồn tại của Miếu Bà. Theo ông Trần Văn Tâm (Sáu Tâm), Bí thư xã Đoàn từ năm 1969 - 1975, ngôi miếu này được thành lập cách nay trên 100 năm. Trước kia, dựa vào những ngày lễ cúng tại miếu, lực lượng ta hay dựa vào dân, trà trộn vào dân để tuyên truyền cách mạng và bắt liên lạc với nhau. Lúc trước, Miếu Bà chỉ có một bàn đá thô sơ để thờ (hiện vẫn còn trong khu miếu). Đến năm 2000, nhân dân quanh vùng đóng góp, xây dựng lại ngôi miếu như ngày nay.
- Khu căn cứ Bàu Gốc được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 983/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2017.
Ông Lê Phan Thuần - Phó giám đốc Sở VHTT-DL trao bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Chí Nhẫn
|
2.4. Tượng đài chiến thắng Bông Trang – Nhà Đỏ (xã Tân Bình huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Bông Trang - Nhà đỏ là địa danh đã đi vào lịch sử với chiến công hiển hách của lực lượng du kích địa phương chiến thắng liên quân tinh nhuệ Quân lực Việt Nam Cộng hòa - Quân đội Hoa Kỳ và Úc được trang bị vũ khí hiện đại. Địch mở đợt tấn công càn quét vào Bông Trang - Nhà Đỏ với mong muốn “xóa sổ” căn cứ cách mạng Chiến khu Đ. Trận đánh Bông Trang - Nhà Đỏ diễn ra vào rạng sáng ngày 24/2/1966, Sư đoàn 9 chủ lực miền phối hợp tập kích hai chốt dã ngoại của địch co cụm ở khu vực Bông Trang – Nhà Đỏ, diệt một bộ phận lớn hai tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Úc, phá hủy và phá hỏng 48 xe tăng, thiết giáp. Cuộc hành quân “Hòn đá lăn” của quân Mỹ – ngụy vào căn cứ chiến khu Đ bị thất bại hoàn toàn. Thừa thắng xông lên, lực lượng Sư đoàn 9 tiếp tục phối hợp với tiểu đoàn Phú Lợi và quân dân địa phương tấn công Mỹ – ngụy ở chốt dã ngoại Bàu Bàng, mở các chiến dịch Dầu Tiếng, tập kích địch ở làng 10 (nam trục lộ Dầu Tiếng đi Căm Xe) gây thiệt hại nặng nề cho quân địch. Đến ngày 24/2/1966, với chiến thắng Bông Trang – Nhà Đỏ, Sư đoàn 9 chủ lực miền tiếp tục ghi dấu những chiến công hiển hách trong bảng vàng danh dự của mình. Thắng lợi trận Bông Trang – Nhà Đỏ của Sư đoàn 9 một lần nữa cho thấy khả năng phối hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ của lực lượng quân chủ lực miền Đông với bộ đội và du kích địa phương; phát huy tối đa thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích. Đó là một trận chiến tổng hợp lực lượng từ quân chủ lực miền đến địa phương huyện, xã và sử dụng kết hợp chủ yếu giữa hai chiến thuật tập kích và du kích4 nhằm tiêu diệt địch một cách hiệu quả nhất.
“Công trình tượng đài Chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ được xây dựng trên tổng diện tích 5.450m2. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, chính trị và xã hội, ghi nhớ chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Công trình còn có ý nghĩa nhắc nhở người dân Chiến khu Đ xưa, Bắc Tân Uyên hôm nay quyết tâm xây dựng quê hương thành một vùng nông thôn mới với những vườn cao su, cây ăn trái bạt ngàn, trù phú và giàu mạnh...” (trích phát biểu của Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên tại lễ đón nhận)
Ông Nguyễn Khoa Hải (trái), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao chứng nhận di tích cấp tỉnh tượng đài chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ Ảnh: Quỳnh Như – Báo Bình Dương online
|
2.3. Các di tích đang đề nghị xếp hạng:
Bia tưởng niệm 582 liệt sỹ tiểu đoàn 28 Đặc công, anh hùng LLVTND Sư đoàn 7 (1967-1975), (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
- Tiểu đoàn Đặc công 28 được thành lập ngày 19/3/1967. Đúng một tuần sau, ngày 26/3/1967 Tiểu đoàn đã chủ động lên kế hoạch đánh trận đầu tiên vào Sư đoàn 5 của địch đóng tại căn cứ Hớn Quản - Bình Phước. Trận này do Đại đội trưởng Lê Anh Đào và chính trị viên Mai Văn Đỗ chỉ huy đã diệt 70 tên địch, thu 4 khẩu pháo 105 ly. Trận đầu lập công, ngày 6-4-1967, tiểu đoàn được Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng III. Phát huy khí thế đó, đêm 26-6-1967, đơn vị bí mật bất ngờ luồn sâu ép sát, đồng loạt đánh thủ pháo và hỏa lực B40 - B41 vào các mục tiêu. Chỉ hơn 20 chiến sĩ đặc công, vậy mà sau hơn 10 phút chiến đấu, tiểu đoàn đã tiêu diệt trên 100 tên Mỹ - ngụy, phá hủy 5 xe tăng, 4 khẩu pháo 155 ly, được công nhận là đơn vị đi đầu phong trào “dám đánh Mỹ”, được cấp trên tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, …
- Hơn 8 năm chiến đấu (1967-1974), Tiểu đoàn 28 Đặc công đã tham gia hàng chục chiến dịch, đánh 1.645 trận lớn, nhỏ, trong đó 29 trận cấp tiểu đoàn, 235 trận cấp đại đội, 1.381 trận cấp trung đội, gồm (mũi, phân đội, tổ đặc công); đánh thiệt hại nặng hàng chục trung tâm chỉ huy cấp tiểu đoàn, chiến đoàn, lữ đoàn, sư đoàn Mỹ - ngụy; hàng trăm trận địa và cụm xe tăng, pháo binh, kho tàng, phá hủy hàng trăm lô cốt, hầm ngầm của địch; tiêu diệt rất nhiều lính kỹ thuật, bắt sống 1 tên Mỹ tại căn cứ Núi Cậu; diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn ngụy quân, bắt sống hơn 160 tên; diệt và phá hủy rất nhiều khí tài hạng nặng, chủ yếu máy bay lên thẳng, máy bay cần cẩu, xe tăng - thiết giáp, xe vận tải, pháo 105 - 155 ly; thu hơn 50 máy bộ đàm, máy thông tin PRC25, hơn 200 khẩu súng cối các loại và nhiều trang bị đồ dùng quân sự của địch. Quá trình chiến đấu Tiểu đoàn 28 đã được tặng thưởng: 2 Huân chương Quân công (hạng nhì, ba); 16 Huân chương Chiến công các loại; 8 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất; 3 đồng chí được tuyên dương “Hành động anh hùng” trong đó có Tiểu đoàn trưởng được tặng thưởng danh hiệu AHLLVTND năm 1973 (Trung tướng Dương Công Sửu, hiện là Phó Tư lệnh Quân khu I) và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt máy bay”, “Dũng sĩ diệt xe tăng - xe cơ giới”.
- Với những chiến công lẫy lừng đó, ngày 30-1-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 163/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho Tiểu đoàn 28 Đặc công Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Tiểu đoàn có 582 liệt sĩ. Nhiều năm qua, Ban liên lạc Tiểu đoàn 28 Đặc công đã tìm kiếm 19 mộ cốt liệt sĩ. Nhân dịp tiểu đoàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định giao đất cho Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 28 Đặc công tại di tích Chiến khu Đ để xây dựng nhà bia tưởng niệm, tri ân 582 liệt sĩ của tiểu đoàn. Ngày 30/12/2014, tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn Đặc công 28 (Sư đoàn 7, Quân khu 7) tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình tưởng niệm 582 liệt sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, với diện tích xây dựng gần 2000m2.
Bia tưởng niệm 582 liệt sỹ tiểu đoàn 28 Đặc công, anh hùng LLVTND Sư đoàn 7 (1967-1975). Ảnh: Tư liệu
|
Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.