Điện thoại: 0918154511 - Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
banner_thang_11abanner_thang_11bb28-9-2023do_qpbanner_thang_11cbanner_thang_11d
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CÁ NHÂN CỦA THẦY VŨ TUẤN TRÌNH TRƯỜNG THPT LÊ LỢI - BẮC TÂN UYÊN - BÌNH DƯƠNG. CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT THẬT THÚ VỊ!

KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA BẮC TÂN UYÊN

  1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
  2. Vị trí địa lý

Bắc Tân Uyên là một trong chín đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bình Dương, được thành lập theo Nghị quyết số 136/NQ-CP, ngày 29/12/2013 của Chính phủ và Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 13/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014. Huyện nằm về phía Đông Bắc của tỉnh, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 30km, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60km; phía Đông giáp huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), phía Tây giáp thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, phía Nam giáp thị xã Tân Uyên, phía Bắc giáp huyện Phú Giáo. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 40.087,67ha. Cơ cấu hành chính của huyện gồm 10 xã, thị trấn: Tân Thành, Bình Mỹ, Đất Cuốc, Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Bình, Tân Định, Tân Lập, Tân Mỹ, Thường Tân. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Tân Thành.

  1. Địa hình, đất đai

Địa hình vùng đất Bắc Tân Uyên tương đối bằng phẳng, trừ một số đồi độc lập có độ cao từ 70-80m, thấp dần từ Bắc xuống Nam. Nền đất cứng, gồm 4 nhóm chính là đất xám, đất đỏ vàng, đất dốc tụ và đất phù sa cổ. Các đặc điểm trên phù hợp cho phát triển công nghiệp và trồng các loại cây công nghiệp (cao su, điều, hồ tiêu), cây nông nghiệp (lúa, hoa màu), cây ăn quả (cam, quýt, bưởi,…).

Trước đây, vùng đất Bắc Tân Uyên là rừng nguyên sinh với hệ động vật, thực vật phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại. Động vật có voi, cọp, tê giác, heo rừng, hươu, nai, chồn, cheo, khỉ, vượn, nhím,... Thực vật có các loại danh mộc như gõ đỏ, cẩm lai, sao, trắc, căm xe, giáng hương,... và các loại dây gùi, củ nần, củ mài, củ chụp, rau tàu bay, lá bươm, lá bép, trái ươi, trái dâu là nguồn lương thực quan trọng, góp phần nuôi sống lực lượng cách mạng trong những thời điểm khó khăn. Trong suốt hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rừng Bắc Tân Uyên là nơi che giấu, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng đóng ở Chiến khu Đ. Đến những năm sau giải phóng, rừng vẫn còn hiện diện ở đây. Người dân địa phương có thể dựa vào những sản vật từ rừng để tồn tại và phát triển.

Với những điều kiện tự nhiên trên, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Bắc Tân Uyên giữ vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự. Địch đã xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự trong thế phòng thủ liên hoàn bảo vệ Sài Gòn từ hướng Bắc. Đối với ta, vùng Bắc Tân Uyên là trung tâm của Chiến khu Đ, là căn cứ kháng chiến của tỉnh và miền Đông Nam Bộ, nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, hậu cần, tuyên giáo, tổ chức, quân sự,... Chính vì thế, trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1975, trên mảnh đất Bắc Tân Uyên xảy ra nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn như trận Phước Thành (9/1961), Bông Trang - Nhà Đỏ (02/1966), Đất Cuốc (11/1967),...

  1. Khí hậu

Huyện chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng nóng và mưa nhiều, với hai mùa rõ rệt trong năm (mùa khô và mùa mưa). Mùa khô nắng nóng, kéo dài từ cuối tháng 11 (năm trước) đến tháng 4 (năm sau). Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, lượng mưa trung bình từ 1.800-2.000mm/năm. Tuy nhiên, nhiệt độ ở huyện không oi bức do có gió mùa Tây Nam mang nhiều hơi nước từ biển thổi vào. Trong năm, thời gian nắng trung bình khoảng 2.400-2.500 giờ. Độ ẩm trung bình từ 76-80%, cao nhất là 86% (tháng 9) và thấp nhất là 66% (tháng 02). Cũng như tỉnh Bình Dương, huyện Bắc Tân Uyên thời tiết ôn hòa, hầu như không có bão. Những điều kiện khí hậu trên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phát triển các khu công nghiệp.

  1. Sông, suối, hồ, đập

Có 2 con sông chảy qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên: Sông Đồng Nai[1] và sông Bé[2]. Ngoài ra, Bắc Tân Uyên còn có hàng chục con suối nhỏ nằm rải rác ở các xã như suối Cái, suối Tân Lợi, suối Tre, suối Cầu, suối tổ 15, rạch Rớ,… Bên cạnh đó, huyện còn có các hồ Đá Bàn, đập Dốc Nhàn, Suối Sâu,… Sông Đồng Nai, sông Bé và các con suối, hồ, đập mang lại nhiều giá trị thiết thực cho người dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến công cũng như sự hy sinh anh dũng của cán bộ và nhân dân Bắc Tân Uyên.

  1. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH QUA CÁC THỜI KỲ
  2. Từ năm 1945 trở về trước

Phần lớn vùng đất Bắc Tân Uyên hiện nay là các làng thuộc Tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa.

  1. Từ năm 1945 đến năm 1954

2.1. Về phía chính quyền Pháp

Khu vực Bắc Tân Uyên chủ yếu gồm 5 xã Tân Hòa, Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Tịch, Lạc An thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

2.2. Về phía cách mạng

Khu vực Bắc Tân Uyên chủ yếu gồm 5 xã Tân Hòa, Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Tịch, Lạc An thuộc Chiến khu Đ.

  1. Từ năm 1954 đến năm 1975

3.1. Về phía chính quyền Sài Gòn

Ngày 23/01/1959, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 25-NV thành lập tỉnh Phước Thành. Trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh (nay thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Tỉnh gồm 3 quận: Phú Giáo, Tân Uyên và Hiếu Liêm. Bắc Tân Uyên thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Phước Thành.

Ngày 06/7/1965, chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh bãi bỏ tỉnh Phước Thành. Bắc Tân Uyên thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

3.2. Về phía cách mạng

Tháng 01/1955, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ tách tỉnh Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Bắc Tân Uyên lúc này thuộc tỉnh Biên Hòa.

Tháng 9/1960, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ nhập tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên lần thứ hai. Tân Uyên tách thành hai huyện: Tân Uyên 1 và Tân Uyên 2 (Bắc Tân Uyên cơ bản thuộc Tân Uyên 2).

Tháng 6/1961, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ lại tách Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và thành lập 3 tỉnh mới: Phước Thành, Bình Long, Phước Long theo địa bàn hành chính của chính quyền Sài Gòn. Huyện Tân Uyên 1 đổi thành huyện Phú Giáo, Tân Uyên 2 đổi thành huyện Tân Uyên (bao gồm cả Bắc Tân Uyên) thuộc tỉnh Phước Thành.

Tháng 11/1966, tỉnh Phước Thành giải thể, huyện Tân Uyên (bao gồm cả Bắc Tân Uyên) trả về tỉnh Thủ Dầu Một.

Tháng 10/1967, Trung ương Cục bố trí lại chiến trường, thành lập 5 phân khu thành 5 mũi tiến công vào Sài Gòn và Phân khu 6 nội bộ Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tỉnh Thủ Dầu Một lúc này thuộc Phân khu 5, gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, Châu Thành, Lái Thiêu, Bắc Thủ Đức, Dĩ An, Thủ Dầu Một và quận 5 (gồm 2 xã Bù Cháp, Lý Lịch).

Năm 1970, để phù hợp với tình hình cách mạng phát triển, chính quyền cách mạng chia huyện Tân Uyên ra thành Nam Tân Uyên và Bắc Tân Uyên. Lúc này, Bắc Tân Uyên gồm 5 xã thuộc Chiến khu Đ là Tân Hòa, Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Tịch và Lạc An.

Tháng 5/1971, Phân khu 5 giải thể, thành lập phân khu Thủ Biên. Thực hiện Chỉ thị 08/CT ngày 30/8/1972 của Thường vụ Trung ương Cục, Khu ủy Miền Đông được thành lập lại, giải thể các phân khu, thành lập lại các tỉnh. Huyện Tân Uyên lúc này thuộc tỉnh Biên Hòa.

Tháng 10/1973, Trung ương Cục chỉ đạo thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 của Thủ Dầu Một (gồm 2 xã Bù Cháp và Lý Lịch); các xã phía Nam và Đông Nam của Phước Long; Định Quán, Độc Lập của Biên Hòa.

Đến cuối năm 1974, Phú Giáo và Tân Uyên lại được trả về Thủ Dầu Một. Như vậy, đến đầu năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một gồm các huyện, thị: Bến Cát (Nam, Bắc Bến Cát), Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên, Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng và thị xã Thủ Dầu Một.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bắc Tân Uyên là vùng đất nằm trong Chiến khu Đ.

  1. Từ năm 1975 đến năm 2015

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, ngày 02/7/1976, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp (thuộc huyện Thủ Đức) thành tỉnh Sông Bé. Lúc này, Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Sông Bé.

Từ giữa năm 1976, một số xã của Bắc Tân Uyên được sáp nhập lại:

- Xã Thường Lang và xã Tân Tịch sáp nhập thành xã Thường Tân.

- Xã Tân Hòa và xã Mỹ Lộc sáp nhập thành xã Tân Mỹ.

Được sự đồng ý của Trung ương, ngày 05/10/1976, Tỉnh ủy Sông Bé ra Nghị quyết về việc sáp nhập một số huyện trong tỉnh. Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, 3 huyện Châu Thành, Phú Giáo và Tân Uyên sáp nhập lại thành huyện Tân Châu. Đến đầu năm 1977, đổi lại thành huyện Tân Uyên.

Đến ngày 06/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái thành lập với 4 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Bến Cát và Tân Uyên (trong đó có Bắc Tân Uyên).

Thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-CP, ngày 29/12/2013 của Chính phủ “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên để thành lập thị xã Tân Uyên và thành lập 16 phường thuộc thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương” và Quyết định số 352/QĐ-UBND, ngày 13/02/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, huyện Bắc Tân Uyên được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên, có 10 xã gồm: Bình Mỹ, Đất Cuốc, Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Bình, Tân Định, Tân Lập, Tân Mỹ, Tân Thành và Thường Tân. Huyện chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014.

III. KINH TẾ

Huyện mặc dù mới thành lập nhưng, nhìn chung, các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2015 cao nhất là dịch vụ (15,31%/năm), kế đến là công nghiệp - xây dựng (12,51%/năm), nông nghiệp (4,09%/năm), cao hơn bình quân cả nước và bình quân toàn tỉnh Bình Dương từ 1,0-1,5%.

  1. Nông nghiệp

Trong thời kỳ Pháp thuộc, người dân chủ yếu trồng trọt các loại cây lương thực, thực phẩm như lúa, khoai, đậu,... và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, người dân sinh sống bằng trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, tuy nhiên, do chiến tranh nên nông nghiệp không phát triển.

Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân tiến hành khai hoang, phục hóa, biến vùng đất hoang hóa trong chiến tranh thành những tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp.

Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên xác định, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phục vụ đô thị. Theo đó, bên cạnh việc tập trung phát triển các loại nông sản có thế mạnh của địa phương như cao su, cây ăn trái, rau, quả, sinh vật cảnh, sản phẩm thịt, trứng gia cầm, huyện cũng chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đặc biệt quan tâm đến chất lượng giống cây trồng và vật nuôi; hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh, phục vụ đô thị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Các loại cây trồng, nhìn chung, sinh trưởng và phát triển tốt. Cao su là cây trồng chủ lực. Ngoài ra, các mô hình trồng cây có múi cho năng suất cao đang phát triển ở các xã phía Đông của huyện như Hiếu Liêm, Lạc An,...

Các loại gia súc, gia cầm được nhân dân chăn nuôi rộng rãi, đặc biệt, mô hình chăn nuôi tập trung với phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, quản lý giống, thức ăn, dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đang phát triển. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được các cơ quan chuyên môn theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh đó, các cuộc hội thảo, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất, mô hình nông nghiệp tiên tiến, tập huấn khuyến nông,... được huyện thường xuyên tổ chức.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được các địa phương và nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Đến cuối năm 2015, Bắc Tân Uyên có 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (xã Bình Mỹ, Tân Định, Lạc An, Tân Mỹ và Thường Tân)[3].

  1. Công nghiệp

Trước đây, Bắc Tân Uyên vốn là vùng đất nông-lâm nghiệp. Tuy nhiên, từ khi tỉnh Bình Dương thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp của huyện bước vào giai đoạn phát triển mới. Tỉnh tập trung đầu tư để huyện trở thành một trong những địa bàn “trọng điểm phát triển công nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp”, nhất là “các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường” và tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời, phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng, tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng huyện Bắc Tân Uyên sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh Bình Dương. Từ chủ trương trên, đến năm 2015, trên địa bàn huyện có 231 doanh nghiệp (trong đó có 20 doanh nghiệp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 2.653 tỷ đồng, hình thành 4 khu, cụm công nghiệp (Đất Cuốc, Tân Mỹ, Tân Uyên, Tân Bình) với diện tích 828,79ha.

  1. Thương mại - dịch vụ

Để phát triển thương mại, huyện Bắc Tân Uyên chủ trương đầu tư, xây dựng mới và chỉnh trang các chợ truyền thống ở nông thôn (Tân Thành, Đất Cuốc, Thường Tân, Bình Mỹ, Lạc An); từng bước hình thành các chợ ở các khu dân cư tập trung; khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa và hệ thống bán lẻ. Mặt khác, ở Bắc Tân Uyên, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể được triển khai thực hiện khá tốt. Công tác quản lý thị trường được coi trọng. Ngoài ra, các tuyến giao thông được huyện xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhằm phục vụ tốt hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ cũng phát triển như ăn uống, giải trí, thể thao, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,...

  1. Kết cấu hạ tầng

Hệ thống đường huyện có 10 tuyến (ĐH.410, ĐH.411, ĐH.413, ĐH.414, ĐH.415, ĐH.416, ĐH.424, ĐH.431, ĐH.436, ĐH.437) với tổng chiều dài 59,699km. Hệ thống đường tỉnh có 4 tuyến (ĐT.741, ĐT.742, ĐT.746, ĐT.747a) với tổng chiều dài 73,02km. Những tuyến đường này được tỉnh và huyện đầu tư xây dựng, nhựa hóa tương đối hoàn chỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống giao thông trên đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời, là điều kiện thuận lợi để trung chuyển hàng hóa từ địa phương đi các tỉnh khác và ngược lại.

Hoạt động vận tải đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Trên địa bàn huyện có 7 chợ nông thôn (Đất Cuốc, Tân Thành, Bình Mỹ, Tân Bình, Lạc An, Tân Định, Bà Miêu), trong đó, có 3 chợ được xây dựng kiên cố và đạt tiêu chuẩn (Đất Cuốc, Tân Thành, Bình Mỹ), hàng hóa đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu thường nhật của người dân.

Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ khắp địa bàn huyện, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hệ thống chiếu sáng công cộng bảo đảm trên các tuyến đường chính trong nội ô, các đô thị và các cụm, điểm dân cư tập trung tại các xã. Mạng lưới bưu chính viễn thông được đầu tư đồng bộ và thông suốt.

Huyện đã tiến hành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, xây dựng và triển khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2025. Ngoài ra, huyện còn thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn... Song song đó, vấn đề nước sạch nông thôn được huyện đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,88%. Huyện phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ dân đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.

  1. XÃ HỘI
  2. Giáo dục

Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên qua từng giai đoạn lịch sử. Đến năm 2015, số lượng và trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được bổ sung, nâng cao, đạt chuẩn, một số nơi trên chuẩn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, bổ sung và lầu hóa theo chuẩn. 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác xã hội hóa giáo dục phát triển, ngày càng có nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

  1. Y tế

Bắc Tân Uyên thường xuyên quan tâm công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hàng năm, chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 5 tuổi và tiêm VAT cho phụ nữ có thai đạt 100%. Công tác kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt, hạn chế tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ ba. Bên cạnh đó, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phòng, chống và giám sát các dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm A H7N9, cúm A H5N6 ở người, sốt xuất huyết, tay chân miệng,... được thực hiện tốt. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên được ngành y tế của huyện thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm. Tất cả các xã đều có trạm y tế và đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế.

  1. Văn hóa, thể dục - thể thao

Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã phát hiện những hiện vật khảo cổ trên các bãi đồi dọc theo sông Đồng Nai (phần chảy qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên). Qua các di chỉ khảo cổ được các nhà khoa học khai quật tại Vườn Vũ, Gò Đá, Dốc Chùa… đã phát hiện từ thời kỳ đồ đá mới đến thời kỳ đồ đồng, vùng đất Bắc Tân Uyên ngày nay đã từng là địa bàn sinh sống của tộc người Anhđônêdiên cổ đại - tổ tiên của người Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Mơ Nông ngày nay. Từ đó, các nhóm dân tộc bản địa: Stiêng, Mơ Nông, Châu Ro, Châu Mạ,… từng bước hình thành, quy tụ, khai phá đất đai và sinh sống ở đây.

Di tích khảo cổ Dốc Chùa nằm bên bờ sông Đồng Nai, thuộc địa phận xã Tân Mỹ, qua hai lần khai quật (lần cuối vào năm 1979), đã thu được hơn 1.880 hiện vật. Căn cứ vào những hiện vật cho thấy, cách ngày nay khoảng 3.000 đến 2.500 năm, cư dân Dốc Chùa đã phát triển khá hưng thịnh. Ngoài việc săn bắn, làm nương rẫy, khai thác lâm, thủy sản, họ còn làm nhiều ngành nghề thủ công như đan lát, dệt vải, làm gốm,… Di chỉ Dốc Chùa được đánh giá là di tích đặc trưng cho sự phát triển đến đỉnh cao của trung tâm thời đại kim khí ở miền Đông Nam Bộ, tồn tại cùng thời với trung tâm văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc. Điều này cho thấy Bắc Tân Uyên có lịch sử từ rất lâu. Ngày 28/12/2001, di tích khảo cổ Dốc Chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Hiện nay, mặc dù mới thành lập nhưng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ, tết, huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm tuyên truyền và để phục vụ nhân dân. Huyện đang tập trung đầu xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao Bắc Tân Uyên và phấn đấu từng bước hoàn thiện các cơ sở vật chất - kỹ thuật, thể dục - thể thao ở 10 xã và 100% ấp. Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện tốt, làm cho tình làng nghĩa xóm ngày càng củng cố, gắn bó. Hàng năm, tỷ lệ bình xét hộ gia đình văn hóa đạt từ 92-95%, ấp văn hóa đạt 74%, cơ quan văn hóa đạt 98-99%.

  1. Chính sách xã hội

Công tác chăm lo, giải quyết chính sách cho người có công luôn được huyện quan tâm. Vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo huyện thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang sinh sống trên địa bàn. Ngoài ra, huyện còn làm tốt công tác vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng; xây dựng nhà tình thương, nâng cao đời sống đối với những đối tượng bảo trợ xã hội như người nghèo, hộ nghèo, người tàn tật,... Công tác đào tạo nghề cho thanh niên được huyện thực hiện thường xuyên với các ngành nghề như lái xe, nấu ăn, may,... Bên cạnh đó, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực hiện khá tốt, 100% xã được công nhận “xã phù hợp với trẻ em”...

  1. Dân cư

Cư dân Bắc Tân Uyên hiện nay được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Từ thế kỷ XVIII-XIX, nhiều người Việt từ vùng Ngũ Quảng di cư vào. Thời kỳ Pháp thuộc, một số người từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung được tư bản Pháp mộ vào làm công nhân đồn điền cao su (sau này lập gia đình và sinh sống tại đây). Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, gần một vạn đồng bào theo đạo Công giáo từ các tỉnh miền Bắc được chính quyền đưa lên Lạc An, Hiếu Liêm thành lập xã Thái Hưng (nằm trong lòng Chiến khu Đ) nhằm tạo cơ sở xã hội cho sự thống trị của chúng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), dân số Bắc Tân Uyên tăng thêm với số đồng bào từ các tỉnh có mật độ dân số cao được chính quyền cách mạng đưa đến để xây dựng vùng kinh tế mới hoặc tự chuyển đến, cán bộ tập kết trở về, bộ đội phục viên, cán bộ ở nơi khác đến (những người này chủ yếu sinh sống ở các xã mới thành lập sau năm 1975 như Tân Lập, Tân Thành, Tân Định, Đất Cuốc, Hiếu Liêm). Đến cuối 2015, số dân của huyện là 63.276 người, đa số là người Kinh, mật độ dân số là 158 người/km2. Tuy nhiên, dân số phân bố không đồng đều, trong đó, một số xã có mật độ cao như: Thường Tân (277 người/km2), Tân Bình (248 người/km2), Lạc An (234 người/km2), Tân Thành (220 người/km2). Nhìn chung, cư dân Bắc Tân Uyên đến từ nhiều vùng miền của đất nước, mang nhiều sắc thái văn hóa, xuất thân từ nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau nhưng cùng cộng cư, sống gắn bó và thuận hòa với mục đích chung lưng đấu cật, cải tạo thiên nhiên, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

  1. Tín ngưỡng, tôn giáo

Do là vùng đất tập trung cư dân nhiều vùng miền trong cả nước đến lập nghiệp nên tín ngưỡng ở Bắc Tân Uyên khá đa dạng. Nhân dân phần đông theo tín ngưỡng dân gian với phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Ngoài ra, trước đây, ở Bắc Tân Uyên có một số ngôi đình thờ Thành hoàng - những vị tiền hiền có công khai khẩn vùng đất cho các thế hệ “hậu hiền khai cơ”. Mỗi đình làng có nhiều ngày lễ như: ngày đưa thần (23/12 âl), ngày rước thần (30/12 âl), tết Nguyên Đán (01/01 âl), tết Đoan Ngọ (05/5 âl), ngày khai sơn (07/01 âl),... Trong đó, quan trọng nhất là lễ Kỳ Yên, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làng xóm bình yên. Hiện nay, ở Bắc Tân Uyên còn 8 đình làng, gồm: Đình thần Tân Hòa (xã Tân Mỹ), Đình thần Đức Quang, Đình thần Tân Thạnh, Đình thần Tân Quang và Đình thần Tân Tịch (xã Thường Tân), Đình thần Tân Bình (xã Tân Bình), Đình thần ấp Mỹ Đức và Đình thần Bình Cơ (xã Bình Mỹ).

Từ cuối thế kỷ XVI, khi những lớp cư dân người Việt từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào định cư trên đất Bình Dương đã truyền bá đạo Phật. Từ đó, đạo Phật được phát triển rộng ra toàn tỉnh, trong đó, có khu vực Bắc Tân Uyên. Những người theo đạo Phật quan niệm “tu thân tích đức”, sống ôn hòa, nhân ái “thương người như thể thương thân” và giàu lòng yêu nước. Trên địa bàn huyện có 5 chùa và 1 tịnh xá, gồm: chùa Bảo Lâm Sơn, chùa Thiện Hiếu, chùa Long Sơn (Ông Mỏ), chùa Giác Hoàng, chùa Phước Thiện và tịnh xá An Lạc.

Khoảng đầu thế kỷ XVII, đạo Công giáo được những nhà truyền giáo phương Tây truyền bá vào Bình Dương. Ngoài ra, khi thực dân Pháp hoàn tất bộ máy cai trị trong cả nước thì đạo Công giáo phát triển tương đối nhanh. Đặc biệt, từ sau năm 1954, hàng chục ngàn giáo dân miền Bắc bị địch dụ dỗ đưa vào định cư ở những vùng xung yếu của tỉnh Bình Dương, trong đó, có Bắc Tân Uyên. Trong số 5 tôn giáo hoạt động trên địa bàn huyện, Công giáo chiếm phần đông với 11 giáo xứ và 8.141 tín đồ. Phần lớn đồng bào theo đạo Công giáo ở Bắc Tân Uyên là những người lao động, một lòng kính Chúa, yêu nước, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, không sa vào âm mưu của các thế lực thù địch chống lại địa phương, dân tộc.

Đạo Cao Đài ra đời tại Nam Bộ năm 1926, được truyền bá vào Bình Dương và Tân Uyên với hệ phái Cao Đài Chơn Lý Mỹ Tho. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một số tên phản động lợi dụng đạo Cao Đài làm lũng đoạn, lôi kéo một số tín hữu chống phá cách mạng. Tuy nhiên, nhờ có chính sách đúng đắn, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo đồng bào theo đạo đoàn kết và tham gia kháng chiến. Hiện nay, đồng bào theo đạo Cao Đài thực hiện tốt phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”, xây dựng cuộc sống mới ở từng khu dân cư và gia đình, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, công tác từ thiện xã hội, góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, huyện Bắc Tân Uyên luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, đồng thời, vận động đồng bào có đạo thực hiện tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chính sách của địa phương, tiếp tục đoàn kết, góp sức cùng chính quyền trên bước đường phát triển.

  1. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Các lực lượng Công an - Quân sự duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ. Huyện cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị về “tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11//2012 của Quốc hội về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...

Huyện thực hiện nghiêm chỉnh công tác quốc phòng và quân sự địa phương như: Xây dựng kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ; luyện tập các phương án chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng cho các đối tượng. Công tác huấn luyện, động viên kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được tổ chức chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quân số tham gia đạt 98% trở lên. Công tác tạo nguồn nghĩa vụ quân sự và giao quân đạt chỉ tiêu được giao.

Công tác cải cách tư pháp được quan tâm, các cơ quan tư pháp huyện được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ tư pháp không ngừng nâng cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, công nhân, học sinh và nhân dân được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm.

  1. TRUYỀN THỐNG ĐỊA PHƯƠNG

Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nhu cầu làm chủ thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm đã gắn kết người dân Bắc Tân Uyên thành một khối. Trên cơ sở lưu giữ phần cốt lõi tính cách dân tộc cộng với quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển trong điều kiện lịch sử mới đã góp phần tạo nên truyền thống của người dân nơi đây. Đó là lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha, sẵn sàng đấu tranh kiên cường, bất khuất trước nghịch cảnh; tình đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái; tính tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất.

  1. Truyền thống yêu nước và đấu tranh chống ngoại xâm

Mang những đặc trưng cơ bản của người Việt Nam, tình yêu quê hương của người dân Bắc Tân Uyên gắn liền với quá trình đấu tranh với thiên nhiên (khẩn hoang, khai phá những cánh rừng già) và chống giặc ngoại xâm. Sau khi vua Quang Trung mất, triều Tây Sơn tan rã, một bộ phận quân Tây Sơn lánh đến vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương hiện nay và cùng với cộng đồng cư dân địa phương làm ăn, sinh sống. Từ đó, tinh thần chiến đấu bất khuất, anh hùng của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn được gieo mầm trên mảnh đất này.

Ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp, tinh thần đó lại bùng lên mạnh mẽ. Một số quan lại địa phương đã hình thành phái chủ chiến như Đổng lý Văn Đức Đại, Phó Đề đốc quân thứ Lê Quang Tiến ở Bình An, Bố chính Thân Văn Nhiếp ở Tân Uyên. Nhân dân tham gia bằng cách ủng hộ lương thực, thực phẩm để nuôi quân và thực hiện “vườn không, nhà trống”,... Nhiều thanh niên, trai tráng ở vùng Tân Uyên, Bắc Tân Uyên... gia nhập đội quân của Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp chống giặc. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, ta đã quấy phá địch, gây cho chúng nhiều khó khăn.

Mặc dù thực dân Pháp đã chiếm được vùng đất Bình An, Tân Uyên và cả Biên Hòa nhưng lực lượng của ta không khuất phục, rút lui vào rừng và vùng nông thôn, tiếp tục kháng chiến. Cuối thế kỷ XIX, khi nghĩa quân của Trương Quyền và nhà sư Pu Kom Pô từ Tây Ninh tấn công vào các đồn nhỏ của Pháp ở ven sông Thị Tính, nhân dân nhiều làng ở đây hưởng ứng mạnh mẽ bằng cách ủng hộ lương thực, quà bánh, heo, gà, dẫn đường cho nghĩa quân và cho con em tham gia lực lượng kháng chiến.

Đầu thế kỷ XX, sau khi hoàn thành việc xâm chiếm và đặt ách thống trị trên đất Nam kỳ, thực dân Pháp xác lập địa giới hành chính, thành lập các đồn binh khắp nơi nhằm kiểm soát nhân dân, cướp đoạt đất đai, nương rẫy của đồng bào các dân tộc và bóc lột sức lao động của công nhân. Thực dân Pháp áp bức, bóc lột càng nặng nề thì sự đấu tranh của nhân dân càng quyết liệt.

Giữa lúc phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc đang diễn ra sôi động thì ở phía Nam những cuộc đấu tranh của thợ thủ công các lò gốm ở Lái Thiêu, Tân Uyên, Bến Cát,... cũng làm cho bọn thực dân lo ngại. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra dưới hình thức thành lập các hội kín yêu nước như Thiên Địa hội, Hội kín Nguyễn An Ninh, Hội Danh dự.

Những năm 1913-1916, tổ chức Thiên Địa hội có ảnh hưởng đến một bộ phận nông dân, thợ thủ công một số làng ở Lái Thiêu, Phú Cường, Tân Uyên,… gây cho thực dân Pháp nhiều bất an. Sau phong trào Thiên Địa hội, những năm 1923-1926, phong trào Hội kín yêu nước do Nguyễn An Ninh sáng lập và Hội Danh dự do cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) và những nhà sư yêu nước ở chùa Hội Khánh (thành phố Thủ Dầu Một) thành lập cũng xây dựng một số cơ sở trong tỉnh. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng những phong trào yêu nước từ các “hội kín” đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân địa phương, là tiếng chuông báo hiệu cho sự ra đời tất yếu của một Đảng tiền phong.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), nhằm cứu vãn nền kinh tế bị đình đốn, tư bản Pháp thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai tại Đông Dương. Thời gian này, ở Tân Uyên, các công ty cao su đua nhau bỏ thêm vốn, mở rộng quy mô khai thác, đồng thời, làm cho đội ngũ công nhân cao su phát triển về số lượng. Tuy nhiên, công nhân làm việc trong các đồn điền rất cơ cực. Hàng ngày, họ phải làm việc từ 12 đến 14 giờ, trong điều kiện lao động tồi tệ, ăn uống thiếu thốn, cùng với bệnh tật (nhiều nhất là sốt rét, tiêu chảy), cộng với thiếu thuốc men càng làm cho công nhân suy kiệt thể xác lẫn tinh thần. Trong hoàn cảnh ấy, những người công nhân cao su đã liên tục đấu tranh, hình thức phổ biến là bỏ trốn hoặc lãn công, đập phá công cụ làm việc như dao, cưa, cuốc, xẻng, đòi quyền lợi kinh tế, chống phạt vạ. Vì chưa được tổ chức chặt chẽ, thống nhất mục tiêu nên những cuộc đấu tranh này ít đạt kết quả như mong muốn và luôn bị bộ máy cai trị của thực dân Pháp dập tắt. Song, những cuộc đấu tranh tự phát ấy đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương.

Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc) thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên của mình vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền trong nước, cùng sống và làm việc với công nhân để truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Qua phong trào, nhân dân dần được tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là đội ngũ công nhân làm việc tại đềpô xe lửa Dĩ An, công nhân cao su ở đồn điền Phú Riềng và lực lượng thanh niên từng hăng hái hoạt động trong phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh trước đây.

Từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một nói chung, Bắc Tân Uyên nói riêng, diễn ra liên tục, sôi nổi, lôi cuốn đông đảo đồng bào tham gia với nhiều hình thức, thể hiện ý thức tự tôn dân tộc, là tiền đề cho các cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng sau này.

Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ và ác liệt, các thế hệ người dân Bắc Tân Uyên không tiếc công sức, máu xương, một lòng theo Đảng làm cách mạng. Niềm tin đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc đã thấm sâu vào tâm trí và tình cảm của người dân nơi đây, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân làm nên những chiến công vang dội, viết tiếp những trang sử truyền thống vẻ vang của các thế hệ ông cha đi trước.

  1. Truyền thống đoàn kết, nhân ái

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết đã trở thành di sản vô giá, cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn và trở thành lẽ sống của mỗi người con đất Việt. Lịch sử đã chứng minh truyền thống đại đoàn kết, bất luận trong hoàn cảnh nào, đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.

Nhân ái cũng là một trong những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống rất nổi bật của dân tộc ta. Qua các thời kỳ lịch sử, lòng nhân ái có những nội dung mới, song về cơ bản, vẫn giữ được nét đặc sắc riêng; là cơ sở quan trọng để thiết lập mối quan hệ giữa người với người. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhìn chung, tinh thần nhân ái vẫn tiếp tục được nhân dân ta kế thừa, phát huy và nâng lên một tầm cao mới, thể hiện trong các phong trào có ý nghĩa sâu sắc như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng“, “Gây quỹ vì người nghèo”, “Hiến máu nhân đạo”, “Vòng tay nhân ái”, “Nối vòng tay lớn”, “Vì nạn nhân ảnh hưởng chất độc màu da cam”... Các phong trào này đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng đến cuối đời; hàng ngàn thân nhân của liệt sĩ được đỡ đầu; toàn dân góp vật chất, tinh thần cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, giúp đỡ người già không nơi nương tựa, trẻ em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Truyền thống đoàn kết, nhân ái của người dân Bắc Tân Uyên cũng hòa trong dòng chảy chung của dân tộc. Từ thế kỷ XVIII-XIX, nhiều người Việt từ vùng Ngũ Quảng di cư đến vùng Bắc Tân Uyên, khai phá những cánh rừng già. Quá trình khai phá, định cư lập nghiệp, tạo dựng làng xã của cư dân người Việt và người dân bản địa, từ thế hệ này đến thế hệ khác, đòi hỏi phải có sự đoàn kết chặt chẽ và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và cả trong cuộc sống thường nhật. Cũng như các tỉnh Nam Bộ xưa, từ vùng đất toàn rừng rậm, với ý chí sắt đá, tinh thần lao động cần cù, đoàn kết, nhân ái, các thế hệ chủ nhân của vùng đất Bắc Tân Uyên ra sức khẩn hoang, xây dựng và bảo vệ thành quả đó. Có thể nói, trong từng nắm đất, trong hương vị ngọt ngào của cây trái, của thành quả hôm nay mãi còn thấm đượm tình người, mồ hôi và xương máu của bao thế hệ đi trước đã khai phá, bồi đắp và gìn giữ.

Sau năm 1975, thực hiện chủ trương đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Bắc Tân Uyên đã tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng xã hội mới trên quê hương vừa được giải phóng. Lúc này, bên cạnh đội ngũ công nhân và dân địa phương, do nhu cầu phát triển sản xuất, một lượng lớn người dân từ các nơi khác đến định cư ở đây. Do đó, đòi hỏi người dân Bắc Tân Uyên phải đoàn kết, gắn bó và yêu thương lẫn nhau để cùng tồn tại trên mảnh đất quê hương.

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, hiện nay, nhân dân Bắc Tân Uyên phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Với nhiều hình thức phong phú, cách làm hay như hỗ trợ xây nhà ở, mượn vốn không tính lãi để nuôi bò, tương trợ cây, con giống, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ… đã góp phần làm cho tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó chặt chẽ, bền vững. Hơn nữa, bằng sự đồng cảm, tinh thần “tương thân, tương ái”, nhiều tổ chức, cá nhân đã gắn kết, chia sẻ, giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực, điều kiện để thoát khỏi khó khăn, góp phần tích cực vào việc bảo đảm chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của huyện.

  1. Truyền thống cần cù, sáng tạo

Cần cù là một trong những đức tính nổi bật của người Việt Nam. Từ rất sớm, nhân dân Việt Nam đã phải chống chọi với những điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt và nạn ngoại xâm giày xéo liên miên. Quá trình đó đã rèn luyện cho người lao động đức tính cần cù “một nắng, hai sương” để duy trì cuộc sống và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó không chỉ là những hình ảnh đẹp mà còn thể hiện đức tính cần cù, yêu lao động của nhân dân ta. Ông cha ta ý thức được rằng, lao động cần cù là nguồn gốc của mọi của cải và hạnh phúc. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh sự cần cù, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân được phát huy mạnh mẽ. Qua đó, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó cũng được phát huy ở mức độ cao. Tiếp nối truyền thống của dân tộc, nhân dân Bắc Tân Uyên luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất nhằm tạo ra nhiều của cải, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Tóm lại, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kể từ khi thành lập, huyện Bắc Tân Uyên với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân có truyền thống đoàn kết, nhân ái, cần cù, thông minh, sáng tạo và một bề dày lịch sử chống ngoại xâm đầy vẻ vang đã, đang và sẽ vươn lên, phát triển toàn diện.

-----------------------------------------------------------------------------

[1]     Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, đoạn chảy qua Bắc Tân Uyên ở xã Hiếu Liêm dài hơn 10km. Sông Đồng Nai sâu và rộng hơn sông Bé. Đoạn hạ lưu ít đá ngầm, vì vậy, ghe thuyền đi lại dễ dàng.

[2]     Sông Bé bắt nguồn từ vùng Đông Bắc Campuchia. Đoạn từ cầu Phước Hòa đến xã Hiếu Liêm dài 80,6km. Mùa mưa nước chảy mạnh, mùa khô nước cạn, bờ sông có nhiều đoạn dựng đứng. Với đặc điểm đó, sông Bé trở thành phòng tuyến thiên nhiên vô cùng lợi hại, giảm bớt sự càn quét của quân giặc.

[3]     Đến cuối năm 2017, huyện Bắc Tân Uyên có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

In bài viết
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

VŨ TUẤN TRÌNH

Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn 
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

1
Bạn cần hỗ trợ?