Điện thoại: 0918154511 - Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
banner_thang_11abanner_thang_11bb28-9-2023do_qpbanner_thang_11cbanner_thang_11d
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CÁ NHÂN CỦA THẦY VŨ TUẤN TRÌNH TRƯỜNG THPT LÊ LỢI - BẮC TÂN UYÊN - BÌNH DƯƠNG. CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT THẬT THÚ VỊ!

Cùng với Nhân dân miền Nam, Nhân dân Bắc Tân Uyên đã đứng lên đấu tranh đánh thắng chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai:

1. Từng bước vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá kìm, góp phần củng cố Chiến khu Đ đấu tranh đánh bại chiến lược "chiến tranh đơn phương" của đế quốc Mỹ và tay sai (1954-1960)

- Tháng 12/1956, căn cứ vào “Đề cương cách mạng miền Nam” của đồng chí Lê Duẩn, Đến năm 1957, miền Đông Nam Bộ đã hình thành các vùng căn cứ lớn: Căn cứ Đông Bắc gồm Chiến khu Đ (cũ) được mở rộng lên giáp biên giới Việt Nam - Campuchia.

- Vào lúc 17 giờ ngày 02/12/1956, tại nhà lao Tân Hiệp các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước bị địch giam giữ nổi dậy cướp súng địch, phá trại giam. Hơn 400 người đã cướp được trên 40 khẩu súng thoát khỏi nhà tù của giặc( đã có 21 cán bộ, đảng viên và người yêu nước đã hy sinh trước cửa trại giam). Khi đến rừng Tân Định (nay thuộc Vĩnh Cửu), Đảng ủy quyết định phân tán đoàn, mỗi tỉnh sẽ lập một chi bộ và tìm cách đưa các đồng chí về địa phương để tiếp tục hoạt động. Tại Chiến khu Đ có Hơn 400 cán bộ, đảng viên mang theo trên 40 khẩu súng là những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ kiên cường được bổ sung cho các tổ chức Đảng và lực lượng vũ trang cách mạng.

- Tháng 3/1957, Mỹ - Diệm dùng xe ủi mở đường từ Cây Gáo (Đồng Nai) lên Mã Đà để chia cắt, đánh phá căn cứ Chiến khu Đ. Trong hai năm 1957-1958, những cán bộ, đảng viên bị lộ rút ra rừng căn cứ. Một số xã thuộc Bắc Tân Uyên hình thành các tổ diệt ác, tham gia diệt ác ôn ở địa phương. Một số cảnh sát có nợ máu với nhân dân đã bị tiêu diệt: 02 cảnh sát (ở Tân Hòa), 02 cảnh sát (ở Giáp Lạc); 01 cảnh sát (ở Lạc An), …

- Tham gia phong trào Đồng Khởi, làm thất bai chiến lược "chiến tranh đơn phương" (1959-1960)

+ Tháng 11/1959, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập Hội nghị (mở rộng) tại Tây Ninh, tháng 02/1960 Tỉnh ủy Biên Hòa mở Hội nghị tai Thái Hòa (Tân Uyên) để học tập quán triệt nội dung cơ bản Nghị quyết 15 Trung ương Đảng (khóa II) xác định "con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân" lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Từ giữa năm 1959, nhận được điện của Trung ương, Xứ ủy, Khu ủy miền Đông đã cử hai đội vũ trang từ Chiến khu Đ cắt rừng về hai hướng Bắc và Đông Bắc để đón các đồng chí xoi đường từ miền Bắc vào, đồng thời, nối thông hành lang từ Chiến khu Đ ra Nam Tây Nguyên.

+ Căn cứ vào tình hình cụ thể trong tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo: Cần sử dụng ngay lực lượng vũ trang của tỉnh tiến hành một đợt vũ trang tuyên truyền, trọng điểm là các xã vùng Chiến khu Đ thuộc Bắc Tân Uyên. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị lực lượng mở rộng địa bàn hoạt động xuống vùng giáp ranh Vĩnh Cửu, bắt liên lạc với huyện Long Thành.

+ Đầu tháng 3/1960, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân các xã thuộc Bắc Tân Uyên như Thường Lang, Tân Tịch, Tân Hòa, Mỹ Lộc, do đồng chí Ba Tình Bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, đã đồng loạt nổi dậy đốt phá trụ sở tề, diệt bọn ác ôn. Làn sóng khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng khắp vùng. Từ Đất Cuốc, Mỹ Lộc, Thường Lang đến Bình Mỹ, Phước Hòa, các đơn vị vũ trang của Huyện, Tỉnh tuyên truyền diệt ác, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy, đồng thời diệt một số bót địch ở Miếu Bà, Cầu Chùa, Đồi Trắng, Thợ Ụt, … du kích tiến hành đốt các cầu Vũng Cấm, Rạch Rớ và rải truyền đơn kêu gọi bọn lính và tề xã thôi làm tay sai cho giặc. Hàng chục nam nữ thanh niên hăng hái thoát ly gia nhập bộ đội Tỉnh, Huyện và du kích các xã. Kết hợp đấu tranh chính trị với hoạt động vũ trang, công tác binh vận cũng được đẩy mạnh và thu được kết quả ở nhiều nơi. Nhân dân phối hợp với các tổ vũ trang tuyên truyền đêm đêm phát loa kêu gọi binh lính trong đồn, bót trở về với gia đình; truy bắt, trừng trị những tên ác ôn có nhiều nợ máu với dân (ở Tân Hòa). Tại xã Tân Bình, đội vũ trang tuyên truyền xã kết hợp với cơ sở nội ứng (có 2 đảng viên, 2 đoàn viên) do chi bộ xã cài vào trước đó, diệt đồn trưởng, thám báo, kêu gọi trung đội lính dân vệ đồn Nhà Đỏ mang 22 súng về với cách mạng. Cơ sở binh vận trong các dinh điền, trong dịp này cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng được một số cơ sở quần chúng trong đồng bào Công giáo, Linh mục Nguyễn Trinh Đoàn ở Dinh điền Ích Tân (Hiếu Liêm), tích cực vận động đồng bào Công giáo mua thuốc men, gạo, vải, ... cung cấp cho bộ đội, du kích trong căn cứ.

+ Chào mừng sự kiện lịch sử quan trọng ngày 20/12/1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (Tân Biên, Tây Ninh), "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam" thành lập, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Đồng chí Tám Rê thay mặt Huyện ủy kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết xung quanh Mặt trận cùng chống đế quốc Mỹ xâm lược trong buổi mít tinh các xã trong huyện: Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang. Lực lượng vũ trang ta nổ súng diệt 2 tên lính (ở Dốc Chùa) khi chúng đến đàn áp cuộc mit tinh ở các xã, số còn lại rút chạy về quận lỵ. Kết thúc cuộc mít tinh, đông đảo đồng bào tham gia cuộc tuần hành đi qua bốn xã của Chiến khu Đ biểu dương khí thế của cách mạng. Phong trào Đồng khởi năm 1960 đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng toàn miền Nam làm phá sản chiến lược "chiến tranh đơn phương" của Mỹ.

2. Từng bước xây dựng lực lượng, tiến hành đấu tranh cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai (1961-1964)

- Tháng 01/1961, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và vạch ra phương châm chiến lược của cách mạng miền Nam là đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự. Tháng 3/1961, T1 được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ khu A (gồm Chiến khu Đ cũ mở rộng đến đông quốc lộ 13, mang phiên hiệu C150). Đến tháng 9/1961, căn cứ khu A đổi phiên hiệu là U50 do đồng chí Hoàng Kim Khanh (Đào Sơn Tây) làm Bí thư Đảng ủy.

Có thể là hình ảnh về 4 người

- Chiến khu Đ ngày càng phát triển toàn diện nối liền với hậu phương lớn miền Bắc qua đường Trường Sơn, cùng với vùng căn cứ các tỉnh phía Đông tạo thành thế căn cứ liên hoàn, trở thành một hậu phương chiến lược ở miền Đông Nam Bộ. Nhân dân Bắc Tân Uyên đã tích cực đóng góp sức người, sức của góp phần xây dựng và bảo vệ Chiến khu, theo chỉ đạo của Khu ủy, Tiểu đoàn 800 đã mở đợt hoạt động đầu tiên, mục tiêu là Chi khu Hiếu Liêm nằm ở xã Lạc An, các đồn bót địch cắm trong căn cứ và vũ trang tuyên truyền hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm làm chủ xã, ấp. Sáng ngày 17-3-1961,…

- Ngày 23/01/1959, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 25-NV thành lập tỉnh Phước Thành, Trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh (nay thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Tháng 6/1961, Khu ủy miền Đông quyết định giải thể tỉnh Thủ Biên và tổ chức lại thành ba tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Phước Thành. Đối với ta, tỉnh Phước Thành có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ then chốt, yết hầu của Chiến khu Đ, ảnh hưởng đến cả chiến trường miền Đông Nam Bộ. Lúc mới thành lập, tỉnh Phước Thành có 2 huyện Tân Uyên 1 và Tân Uyên 2. Sau khi thành lập, Ban cán sự Đảng và các lực lượng của tỉnh đóng căn cứ tại xã Mỹ Lộc thuộc Bắc Tân Uyên. Sau một thời gian chuẩn bị, 22 giờ 30 phút ngày 17/9/1961,…

- Chiến thắng Phước Thành đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang của địa phương ngày càng trưởng thành. Phát huy chiến thắng, đêm 18, rạng 19/9/1961, Đại đội 303 của tỉnh cùng du kích các xã Tân Hòa, Tân Tịch, Thường Lang, Mỹ Lộc kết hợp bao vây với binh vận bứt rút một số tua, bót địch đóng trên đường số 8 từ Hiếu Liêm đến Tân Uyên. Cuối tháng 02/1962, nhằm hỗ trợ cho việc gom dân lập ấp chiến lược, địch mở nhiều cuộc càn quét vào Chiến khu Đ. Kết hợp với các lực lượng của tỉnh, huyện và Khu đóng trên địa bàn, du kích các xã anh dũng chiến đấu, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đêm 26/02/1962, du kích các xã Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Đất Cuốc, Tân Hòa…

 -  Đấu tranh phá “Ấp chiến lược”, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1963-1964)

+ Đầu năm 1963, cách mạng miền Nam có bước phát triển mới. Sau chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân tỉnh Mỹ Tho (tháng 01/1963), Trung ương Cục phát động toàn miền phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Đầu tháng 6/1963, Tỉnh ủy Phước Thành chủ trương phá ấp chiến lược, lấy Tân Bình làm thí điểm, vì ở đây ta có chi bộ mật, cơ sở nội tuyến và quần chúng đã được chuẩn bị tốt. Lực lượng C301 và C303 kết hợp với du kích xã Tân Bình bí mật ém quân bên trong ấp chiến lược. Sáng sớm hôm sau một trung đội dân vệ lính Nùng thuộc Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa từ trên bót đi hai mũi xuống khu dân cư trong ấp. Khi cả trung đội địch lọt vào đội hình phục kích của ta, bộ đội nổ súng diệt gọn trung đội, thu toàn bộ vũ khí, rút ra an toàn. Phối hợp hành động, chi bộ mật lãnh đạo phát động nhân dân nổi dậy phá banh ấp chiến lược Tân Bình, phá lỏng thế kìm kẹp của địch.

+ Giữa năm 1963, trước yêu cầu của cách mạng và để chuẩn bị cơ sở vật chất cho kháng chiến, hàng loạt “cửa khẩu” được mở ra ở xung quanh vùng Chiến khu Đ. Hàng trăm chiếc xe bò của người dân Tân Bình, Bình Mỹ, Vĩnh Tân, …

+ Đến cuối năm 1963, kế hoạch bình định gom dân, lập ấp chiến lược của Mỹ - Diệm bị quân và dân miền Nam đánh phá quyết liệt. Tại Bắc Tân Uyên, nhiều ấp chiến lược Thái Hòa, Bình Mỹ, Vĩnh Tân, Tân Bình bị du kích vây chặt. Kết hợp với lực lượng bên ngoài bao vây, nhân dân trong các ấp chiến lược liên tục đấu tranh với địch, không đi hội họp, không đi cắm chông …

+ Lực lượng của ta tham gia đánh đồn bàu Cá Trê gồm: Đại đội 303 tỉnh Phước Thành, Tiểu đoàn Phú Lợi tỉnh Thủ Dầu Một, Trung đoàn 2 Sư đoàn 9. Trong trận đánh này, ta được tăng cường 3 khẩu 12 ly 7. 21 giờ 20 phút ngày 13/5/1964, ta bắt đầu nổ súng tấn công. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt 14 tên, bắt sống 3 tên, thu 64 súng các loại. Số lính địch thoát chết chạy tán loạn. Ta làm chủ tình hình suốt đêm đó. 5 giờ sáng ngày 14/5, địch cho ba đại đội 327, 329 và 313 thuộc tiểu đoàn biệt động quân đang đóng ở Bình Mỹ, chia làm bốn mũi tiến công để cứu viện đồng bọn ở bàu Cá Trê. Các lực lượng của ta sau khi tiêu diệt địch ở bàu Cá Trê đã triển khai đội hình phục kích đánh viện. Đúng 7 giờ 45 phút, các cánh quân cứu viện, được pháo binh bắn dọn đường đã lọt vào trận địa phục kích của ta…

+ Trong lúc đó, địch ở Chi khu Tân Uyên và Bình Mỹ liên tục điện thúc ép bọn ở Sình, Bà Đã tiếp tục cứu viện. Tại Bà Đã, một trung đội địch vừa kéo ra khỏi bót bị ta chặn đánh, chúng hốt hoảng quăng súng chạy về bót cố thủ. Bọn ở bót Sình cũng kéo ra một trung đội, bị ta diệt 3 tên, số còn lại cũng rút lui về bót. Chiều hôm đó, trực thăng địch đáp xuống Bà Đã tiếp viện, bị ta bắn rơi 2 chiếc, 5 chiếc còn lại không dám hạ xuống Bà Đã. Đêm đó, du kích Bình Mỹ lại bắn rơi 1 khu trục sát bót Bình Mỹ. Mấy ngày sau, ta gửi thư cho địch ở Bình Mỹ và Tân Uyên cho phép chúng vào lấy xác. Khi xe chở xác chết ra đường 16, hàng trăm vợ, con lính ở các bót Nhà Đỏ, Bình Cơ, Bình Mỹ ra cản đường, nhảy lên xe lấy xác chồng, con, khóc lóc, la ó.

+ Đêm 12/9/1964, lực lượng vũ trang tỉnh Phước Thành phối hợp lực lượng vũ trang Quân khu tiến công địch tại chi khu Hiếu Liêm. Theo kế hoạch hợp đồng, một số cơ sở cách mạng trong chi khu đã đốt kho súng, gõ mõ, gõ kẻng, vận động quần chúng nổi dậy truy bắt bọn lính bảo an, dân vệ lẩn trốn. Chi khu quân sự Hiếu Liêm bị đập tan, nhân dân các ấp chiến lược xung quanh nổi dậy phá ách kìm kẹp. Vào Hè Thu năm 1964 trên địa bàn …

+ Chiều 31/10/1964, tại Giáp Lạc, đơn vị hỏa lực đã làm lễ lên đường. Mặc dù đường lầy lội nhưng được nhân dân giúp sức, đơn vị đã bí mật qua sông an toàn. Đúng 23 giờ 30 đêm 31/10/1964, đạn pháo ta bắt đầu bắn vào sân bay. Từng cụm lửa sáng rực một góc trời. Cả thị xã Biên Hòa và các vùng phụ cận bị chấn động vì những tiếng nổ. Chỉ trong vòng 15 phút, 130 quả đạn cối rơi gọn và chính xác xuống các mục tiêu, phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, loại máy bay tối tân của Mỹ lúc bấy giờ mới đưa vào miền Nam sử dụng, 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám (U2), diệt và làm bị thương 293 tên địch, thiêu hủy và làm nổ tung hoàn toàn hai kho đạn lớn, một kho xăng, một đài quan sát và 18 căn trại lính. Ta rút lui về căn cứ an toàn. Chiến thắng sân bay Biên Hòa làm nức lòng quân, dân cả nước. Chiến công này có phần đóng góp của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phước Thành, trực tiếp là quân, dân Chiến khu Đ. Chiến thắng này đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở miền Đông và cả Miền nói chung.

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, quân và dân Chiến khu Đ đã góp phần xứng đáng cùng quân và dân toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới không kém phần quyết liệt.

3. Quân và dân Bắc Tân Uyên quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968)

- Từ đầu năm 1965, Hội nghị Trung ương Cục (tháng 01/1965) đã đề ra nhiệm vụ của quân và dân miền Nam, nếu Mỹ nhảy vào ta sẽ đánh Mỹ dù vũ khí của Mỹ có dồi dào hơn, hiện đại hơn. Một khi chúng ta đã dám đánh thì sẽ tìm ra cách đánh và đánh thắng Mỹ, chủ động chuẩn bị ba vấn đề lớn: Tân binh, dân công và tài chính nhằm đủ sức đánh thắng Mỹ. Từng đảng bộ, chi bộ cơ quan, đơn vị tỉnh, huyện, xã, ấp gấp rút triển khai thực hiện. đến vùng địch kiểm soát đóng góp sức người, sức của, ủng hộ cách mạng. Ở hầu hết các xã, nơi nào cũng có đội du kích từ 1 đến 3 tiểu đội; một số xã ở Châu Thành, Phú Giáo, Tân Uyên, du kích chiến đấu ấp (1-2 tiểu đội) cũng chiến đấu giỏi như du kích xã. Thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn của tỉnh được chuẩn bị tích cực. Ban Kinh tài, Hội đồng Cung cấp tỉnh, huyện, xã (do một đồng chí cấp ủy phụ trách) bố trí lực lượng thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men ở “cửa khẩu” Chánh Lưu, Nhà Đỏ, hàng chục tấn gạo, năm sáu ngàn lít muối bán cho cách mạng.

- Cuối tháng 5/1965, Lữ đoàn dù 173 lên thay Lữ đoàn đặc nhiệm 198, đổ xuống Bàu Tràm, Nhà Đỏ, Cổng Xanh, Gò Lũy, Sở 49, … hình thành gọng kìm càn quét Chiến khu Đ và xúc tiến gom dân ba xã Tân Bình, Bình Mỹ, Vĩnh Tân. Ngày 06/7/1965, quân Mỹ đổ xuống cánh đồng Giáp Lạc (xã Mỹ Lộc) hơn 4.500 quân, càn quét vùng Chiến khu Đ. Hai ngày đầu ta tổ chức cho các tổ du kích bắn tỉa làm tiêu hao sinh lực địch. Ngày thứ 3 khi địch càn vô Trường trinh sát đặc công của tỉnh Phước Thành, lực lượng Trường trinh sát đặc công và Đại đội 2 của tỉnh Phước Thành do đồng chí Huỳnh Văn Hiệp (Bảy Hiệp) chỉ huy chống càn. Trận này, ta diệt hơn 100 tên Mỹ, thu được một số súng AR15, hy sinh 1 đồng chí trung đoàn phó (5 Thi).

- Tháng 7/1965, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở trận tập kích vào sân bay Biên Hòa lần thứ hai. 0 giờ ngày 24/8/1965, từ hai trận địa pháo, 8 khẩu pháo, cối của Tiểu đoàn 34 pháo binh Miền nã dồn dập 300 quả đạn vào các mục tiêu trong sân bay Biên Hòa. Cả sân bay rực lửa. Máy bay địch lên phản kích bị thu hút cả vào trận địa giả ở Tân Tịch. Được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, Tiểu đoàn 34 nhanh chóng vượt sông về Chiến khu Đ an toàn. Kết quả, ta phá hủy 68 máy bay các loại, 8 dàn hỏa tiễn, 22 bồn xăng dầu, 30 xe ô tô, diệt và làm bị thương 300 tên giặc lái và kỹ thuật Mỹ. Thời gian này, việc chỉ đạo du kích chiến tranh trong tỉnh Phước Thành rất chặt chẽ, các xã ven sông và dọc lộ 15, 16 đều đã củng cố lại lực lượng du kích, khắp nơi đã củng cố xong hầm hào, ụ chiến đấu, sẵn sàng đánh trả địch càn quét.

Có thể là hình ảnh về 3 người

- Miền Đông Nam Bộ, từ tháng 1 đến tháng 5/1966, quân đội Mỹ - Việt Nam Cộng hòa mở 13 cuộc hành quân lớn đánh phá Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Hố Bò, Bời Lời, Bến Cát, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và một bộ phận quân chủ lực ta, ngăn chặn ta hoạt động uy hiếp Sài Gòn, hỗ trợ cho quân đội Sài Gòn bình định, tiến tới giành thế chủ động trên chiến trường.

- Tại chiến trường Thủ Dầu Một và Phước Thành, Mỹ sử dụng lực lượng nòng cốt là Sư đoàn 1 bộ binh kết hợp lực lượng Sư đoàn 18 chủ lực Việt Nam Cộng hòa và một số tiểu đoàn bảo an địa phương mở nhiều cuộc hành quân trên diện rộng ở Tân Uyên, Phước Vĩnh, Chiến khu Đ, Bến Cát, Châu Thành, hỗ trợ cho chương trình bình định. Sau đó, chúng tập trung lực lượng với quy mô cấp sư đoàn đánh sâu vào các cụm căn cứ của ta nhằm phát hiện lực lượng, phá sự chuẩn bị tiến công của ta, tìm diệt chủ lực (Sư đoàn 9 bộ binh) ở Chiến khu Đ. Địch sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại như máy bay, pháo binh, xe tăng, rải thảm chất độc hóa học triệt phá rừng căn cứ, nhằm gây ra cảnh đói, nghèo cho đồng bào vùng căn cứ, vùng giải phóng để chúng thực hiện âm mưu gom lại dân vào các ấp chiến lược mà chúng đổi tên gọi là “ấp tân sinh”.

- Đầu tháng 02/1966, Mỹ mở cuộc càn quét quy mô lớn vào Chiến khu Đ mang tên “Hòn đá lăn” (Rolling Stone, bộ đội tỉnh Phước Thành cùng du kích các xã thuộc Bắc Tân Uyên phối hợp với lực lượng Sư đoàn 9 tổ chức nhiều cánh quân nhỏ, gọn liên tục tiến công, kết hợp đánh mìn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong đó, du kích xã Tân Hòa, gài trái diệt 7 tên Mỹ; các tổ du kích xã Tân Bình, Bình Mỹ, Phước Hòa, Vĩnh Tân,… đánh bọn tay sai ở vòng ngoài, bắn cháy 3 xe GMC trên đường 15, phục kích đánh xe địch tại lô 12 xã Phước Hòa; gài mìn diệt địch ở cầu Thợ Ụt, Sình... Riêng 3 du kích Phước Hòa do đồng chí Bảy Bù Lu trực tiếp chỉ huy phục kích địch tại lộ 12, khi chiếc xe GMC chở đầy lính đi qua, đồng chí Nhịn ném lựu đạn trúng thùng xe, diệt tại chỗ 30 tên.

- Nhằm chống kế hoạch chia cắt Chiến khu Đ của ta và hỗ trợ cho kế hoạch “bình định” xã Tân Bình, Bình Mỹ, Bình Cơ. Phối hợp với Sư đoàn 9, Huyện ủy Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo tập trung chỉ đạo du kích các xã ven trục tỉnh lộ 1A, đường 16, chiến đấu ngăn chặn tiêu hao sinh lực địch. Du kích các xã Phước Hòa, Bình Mỹ, Tân Bình tổ chức thành liên đội, bố trí trận địa mìn, phục kích, chặn đánh quyết liệt lực lượng bộ binh cơ giới, tập kích trận địa pháo địch tại khu vực ngã ba Cổng Xanh, Bố Lá,… tạo điều kiện cho lực lượng Sư đoàn 9 tiến hành cuộc tập kích đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn quân Mỹ đóng dã ngoại tại ấp Bông Trang và Nhà Đỏ trong đêm 24/02//1966, tiêu hao nặng tiểu đoàn Úc, bắn cháy 48 xe bọc thép M113, 24 xe tăng,... sau đó đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mỹ tại dốc Bà Nghĩa trên đường 16.

- Từ 1965-1966, trên chiến trường của tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành, cả quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị đánh đau ở Chiến khu Đ, Phú Lợi, Dầu Tiếng, Bông Trang, Nhà Đỏ, ... Cả hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của chúng bị bẻ gãy. Lực lượng vũ trang trong tỉnh, huyện, du kích các xã đã đánh thắng quân Mỹ ngay trong các trận đầu bằng thế trận du kích chiến tranh rộng khắp. Hệ thống căn cứ của tỉnh, huyện tuy bị đánh phá ác liệt nhưng đã kịp củng cố, xây dựng. Các xã thuộc Bắc Tân Uyên chống càn tên “Thành phố bạc” (Silver city) của Mỹ tháng 3/1966 nhằm vào vùng Bà Đã, Bến Chang Chang phía bắc Chiến khu Đ, chỉ sau một tuần, du kích Vĩnh Tân, Tân Bình và Bình Mỹ đã diệt hơn 60 tên địch, thu 21 súng các loại và 17 trái tạc đạn…

- Như vậy, trong đợt phản công lần thứ nhất, hai cuộc càn lớn “Hòn đá lăn” và “Thành phố bạc” vào Chiến khu Đ của địch đã bị bẻ gãy. Cuối tháng 3/1966, Trung ương Cục họp đánh giá tình hình sau khi đánh bại cuộc phản công lần thứ nhất của địch và nhấn mạnh xây dựng căn cứ, sản xuất, tiết kiệm và từng bước hoàn chỉnh vùng chiến lược. Thực hiện chủ trương này, các vùng Bông Trang, Bình Mỹ, Bình Cơ, Phước Hòa trở thành những “cửa khẩu” quan trọng để mua lương thực và hàng quân sự cho hậu cần Miền. Cuối mùa mưa 1966, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, tỉnh Phước Thành giải thể. Một số cán bộ của Tỉnh ủy, các cơ quan Đảng, quân sự, các ngành được điều về trên, số khác bổ sung cho huyện Phú Giáo và Tân Uyên của tỉnh Thủ Dầu Một.

- Tháng 10/1966, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền mở Hội nghị tổng kết du kích chiến tranh toàn Miền lần thứ 3, nhiệm vụ về phát triển phong trào du kích với phương châm tiến công ba mũi, đánh mạnh giao thông, đánh sâu vào hậu phương địch, tạo điều kiện cho các lực lượng tập trung tấn công diệt địch mạnh mẽ hơn.

- Từ ngày 22/2 - 15/3/1967, Mỹ mở trận càn Gianxơn Xity (Junction City), Khu ủy chủ trương mở đợt tiến công mạnh vào các căn cứ địch, các chốt địch trong căn cứ, đánh phá các ấp chiến lược, mở rộng vùng làm chủ xung quanh Chiến khu Đ. Từ tháng 3 đến tháng 4/1967, bộ đội địa phương đã đánh bại cuộc càn của Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng hòa vào căn cứ. Đồng thời, ta đẩy mạnh hoạt động trên đường 14, 16, bức rút, bức hàng 10 đồn bót địch, phá vỡ 22 ấp chiến lược, giải phóng hơn 100.000 dân. Mặt khác, ta tổ chức bắt hàng chục tên gián điệp đang hoạt động ở vùng Mỹ Lộc, Thường Lang, Tân Hòa, Tân Tịch. Việc khám phá và phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm nằm vùng, giữ vững được đoàn kết nội bộ và an toàn trong một thời gian dài.

- Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5/1967, Trung ương Cục quyết định thành lập Đoàn 70 trực thuộc Cục Hậu cần Miền nhằm đón nhận hàng của Trung ương từ nam Tây Nguyên và Campuchia chuyển về phục vụ cho hoạt động tác chiến ở B2 (Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ), trong đó hai cánh H8 và H10 đứng chân ở bờ Bắc Sông Bé (Chiến khu Đ) và Nam Đồng Xoài, vừa đón nhận hàng tiếp liệu, vừa triển khai kho tàng trong căn cứ. Đoàn 70 cùng Đoàn hậu cần 81, 84 với nhiều cánh thu mua, vận chuyển, chiến đấu bảo vệ hành lang, căn cứ, tạo thành mạng lưới hậu cần liên hoàn từ Chiến khu Đ xuống các khu vực Bình Dương - Biên Hòa, Bà Rịa bảo đảm cho các lực lượng chủ lực Miền, Quân khu hoạt động. Nhân dân quanh vùng Chiến khu Đ và các xã Tân Bình, Bình Mỹ, Vĩnh Tân ngày đêm cung cấp lương thực cho các “cửa khẩu”. Biệt kích, phi pháo và máy bay địch liên tục uy hiếp nhưng những đoàn xe bò, xe thồ vẫn tấp nập chở đủ mọi mặt hàng phục vụ cho chiến trường.

- Đảng bộ, quân và dân Chiến khu Đ đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu, góp phần làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch.

- Tham gia tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”

+ Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 10/1967, Trung ương Cục, Quân ủy Miền đã ra Nghị quyết về Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa với tên gọi là “Nghị quyết Quang Trung”. Hướng tiến công chủ yếu là thành phố Sài Gòn, mục tiêu của tổng công kích - tổng khởi nghĩa là các cơ quan đầu não, bộ máy chiến tranh của Mỹ và đầu não Trung ương chính quyền Sài Gòn. Theo tổ chức mới, Phân khu 5 hướng Bắc Sài Gòn gồm các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Châu Thành, thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Dĩ An và Bắc Thủ Đức.

+ Đến cuối năm 1967, một vùng rộng lớn Chiến khu Đ với trên 15.000 dân. Thực lực ở cơ sở phần lớn các xã có chi bộ, du kích, đoàn thể quần chúng… Trong khi các địa phương trong tỉnh chuẩn bị các mặt cho chiến dịch tổng tiến công, trên địa bàn Bắc Tân Uyên vẫn liên tục diễn ra các trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Từ giữa tháng 11/1967, địch liên tục càn quét vào các vùng căn cứ của ta với ý đồ ngăn chặn các hoạt động trong mùa khô. Chúng phục kích các con đường qua lại trong vùng Chiến khu Đ và lùng sục các kho tàng, bến bãi.

+ Sáng ngày 23/11/1967, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 Việt Nam Cộng hòa được máy bay trực thăng đổ xuống Sình, Bà Đã để càn quét vào Đất Cuốc và từ Đất Cuốc về Tân Uyên. Suốt ngày 24/11, chúng truy lùng theo dấu vết hoạt động của ta, phá được số mì chưa thu hoạch mà không gặp sự kháng cự nào chúng tổ chức đóng dã ngoại tại cầu Tân Lợi để sáng hôm sau càn quét dọc lộ rồi qua dốc Bàn Tay về Chi khu Tân Uyên. Nắm chắc tình hình địch đang mệt mỏi và chủ quan, Đại đội 3 và Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1 và Trung đoàn Đồng Nai được du kích Đất Cuốc dẫn đường, vừa hành quân vừa chạy đến cầu Tân Lợi. Đến 5 giờ sáng ngày 24/11, quân ta đã hình thành 3 mũi bao vây đội hình địch. Đúng 6 giờ 10 phút ta chỉ còn cách địch 15-20m nhưng chúng vẫn không phát hiện. Quân ta nhất loạt xung phong, dùng B.40, AK và lựu đạn tấn công sở chỉ huy địch. Ngay phút đầu, 2 máy PRC10 liên lạc của địch và tên đại úy tiểu đoàn trưởng đã bị diệt. Ta chia cắt đội hình địch và áp sát để tránh pháo từ Tân Uyên bắn tới. Sau 35 phút chiến đấu, ta diệt và làm bị thương 320 tên, thu 24 súng các loại trong đó có ĐKZ, đại liên và súng cối; 24 tên sống sót chạy về đến dốc Bàn Tay bị lực lượng tải gạo của thị trấn Tân Uyên do đồng chí Sáu Tân, Bảy Tiên phụ trách tiêu diệt.

+ Đúng 0 giờ ngày 31/01/1968, tức đêm mùng một tết Mậu Thân, cùng với toàn Miền, quân và dân Phân khu 5 đồng loạt nổ súng tấn công và nổi dậy khắp trong địa bàn Phân khu. Du kích các xã Tân Hòa, Thường Lang, Tân Tịch, phối hợp với 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 chủ lực Miền, tấn công hậu cứ Trung đoàn 48, Sư đoàn 18 bộ binh Việt Nam Cộng hòa tại dốc Bàn Tay, đánh một số chốt dã ngoại địch khu vực đồi Hoa Sim, dốc Bà Nghĩa, hỗ trợ đồng bào nổi dậy diệt ác. Tại xã Mỹ Lộc, Thường Lang, Bạch Đằng, Thạnh Phước, du kích cùng nhân dân dùng ghe chở lực lượng Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 chủ lực Miền, vượt sông Đồng Nai tấn công vào sân bay Biên Hòa. Khi đơn vị trở ra, vượt sông về căn cứ, bị phi pháo địch đánh phá chặn đường rút, bộ đội thương vong nhiều, cấp ủy chi bộ các xã vận động đồng bào đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi dưỡng chăm sóc thương binh, tổ chức lực lượng dân công vận chuyển hàng trăm ca thương binh nặng về căn cứ.

+ Ngày 16/5/1968, địch sử dụng 40 trực thăng HU1A đổ 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ xuống Sở Hội, nhằm chia cắt đường 16 và tăng áp lực vào Chiến khu Đ của ta. Chủ động tấn công địch, ngay đêm 16/5/1968, lực lượng Trung đoàn 2, Sư đoàn 7 bộ binh, thực hiện trận tập kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Mỹ. Địch hoảng hốt tháo chạy về cụm quân Mỹ đóng chốt tại ngã ba Cổng Xanh, bị trung đội trinh sát đặc công Tân Uyên và du kích Bình Mỹ phục kích chặn đánh trên đường rút chạy, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 tên. Tiếp đó, ngày 26/5/1968, Đại đội 1, bộ đội địa phương huyện Tân Uyên cùng du kích xã Bình Mỹ phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực Miền tập kích cụm quân Mỹ đóng bàu Đông Tràm, đánh thiệt hại 1 đại đội, phá hủy 3 khẩu pháo 105 ly.

+ Cuối năm 1968, địch đưa lực lượng Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ, mở cuộc càn quét quy mô lớn vào địa bàn bắc huyện Châu Thành, nam đường 16, trọng điểm là ba xã Vĩnh Tân, Tân Bình, Bình Mỹ, nhằm đẩy lực lượng vũ trang ta ra khỏi bàn đạp cửa ngõ Chiến khu Đ, hỗ trợ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện bình định gom dân trở lại các ấp chiến lược. Cả quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đi đến đâu cũng vấp phải những bãi tử địa bằng mìn trái, bàn chông, hố đinh của du kích cài đặt tại các khu vực Vườn Thơm, Gò Găng, Vườn Cau, rừng Cù Đèn, suối Nhánh... (xã Vĩnh Tân), Cổng Xanh, Xóm Bố (xã Tân Bình), Bàu Gốc, Bàu Sóng Rắn, ấp Bà Chủ... (xã Bình Mỹ). Sau mấy ngày càn quét, hàng chục tên bị thương vong vì vướng mìn trái, địch quay về cụm lại tại Bình Mỹ. Quyết tâm tiêu diệt địch, Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Uyên sử dụng Đại đội 1, phân đội công binh cùng du kích xã Bình Mỹ, Tân Bình, tập kích cụm quân Mỹ đóng dã ngoại tại Bình Mỹ, tiêu diệt hơn 20 tên, bắn cháy và phá hủy 4 xe tăng, xe bọc thép, 2 xe ủi đất.

+ Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968, Đảng bộ, quân và dân Phân khu 5 đã chấp hành mệnh lệnh của Đảng vô điều kiện, nỗ lực vượt bậc, kết hợp cả tiến công quân sự đồng loạt tập kích vào các thị trấn, thị xã, đánh vào nội đô; phát động quần chúng nổi dậy phá kìm, bao vây, bức rút, bức hàng nhiều đồn bót, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường toàn Miền giành được những thắng lợi quan trọng.

4. Củng cố, khôi phục lực lượng cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ (1969 - tháng 1/1973)

- Tháng 6/1970, Phân khu ủy Phân khu 5 mở đợt hoạt động vũ trang sâu rộng, đánh phá kế hoạch bình định nhằm giảm bớt áp lực của địch ở Chiến khu. Đêm mùng 7 rạng ngày 08/6/1970, bằng lối đánh đặc công, Đại đội đặc công 504 và Tiểu đoàn 1 của Phân khu 5 đã tập kích cụm quân địch đóng chốt Thầy Phòng trên đường 16, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng hòa, loại khỏi vòng chiến 170 tên (có 2 cố vấn Mỹ), phá hủy 4 khẩu pháo 105 ly, đánh sập 35 nhà hầm, hầm ngầm lô cốt của địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Trận đánh chốt Thầy Phòng của lực lượng chủ lực Phân khu đã gây thối động tinh thần binh lính địch đóng các đồn bót lẻ xung quanh. Mấy ngày sau, lính bảo an, dân vệ đóng các đồn bót ở Bình Mỹ, Tân Bình, đào bỏ ngũ gần 100 tên. Bọn lính thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng hòa còn sống sót ở chốt Thầy Phòng tìm cách bỏ trốn. Các bót bảo an, dân vệ ở các ấp chiến lược Tân Bình, Bình Mỹ ngày nào cũng có một, hai tên bỏ trốn.

- Nhân dân ở ấp chiến lược Nhà Đỏ (Tân Bình) gài trái xung quanh ấp, địch co lại trong đồn bót, thế kìm kẹp bị phá lỏng, quần chúng đi lại làm ăn được dễ dàng hơn trước, tạo điều kiện cho ta củng cố và phát triển cơ sở mật trong các ấp chiến lược ở các khu vực xung quanh. Các “cửa khẩu” Bình Mỹ, Bông Trang quần chúng đi lại, mua bán dễ dàng hơn. Nhờ xây dựng được cơ sở nội tuyến, ở Tân Bình, từng lúc nhân dân chở được gạo bằng xe bò ra bán cho cách mạng.

- Từ ngày 20/5 đến ngày 20/6/1971, Phân khu 5 quyết định mở đợt hoạt động cao điểm đánh phá chương trình bình định của địch. Khu vực trọng điểm ở Bắc Tân Uyên là Bình Mỹ, Tân Bình. Đúng đêm 20/5/1971, các điểm, diện đồng loạt nổ súng đánh vào các mục tiêu. Bộ đội huyện phối hợp du kích xã đột nhập vào các ấp của xã Tân Phước, Thới Hòa, Hòa Lợi, Phú Chánh,... diệt ác ôn, đánh bọn ruồng bố bên ngoài. Khắc phục khó khăn, bộ đội, du kích ém quân nhiều ngày trong vùng trọng điểm diệt từng tiểu đội, trung đội địch tại Nhà Đỏ (Tân Bình), pháo kích hậu cứ Phú Lợi…

- Từ năm 1969 đến cuối năm 1971, quân và dân Bắc Tân Uyên đã kiên cường bám trụ, nêu cao tinh thần chủ động tiến công, anh dũng chiến đấu vượt qua thời kỳ đầy khó khăn. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Bắc Tân Uyên đã lãnh đạo quân, dân từng bước chuyển phương châm hoạt động phù hợp với tình hình, tăng cường củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng, từng bước khôi phục, làm chủ địa bàn, tạo thế và lực mới để cùng quân và dân toàn tỉnh bước vào cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

- Tháng 5/1971, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về việc động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nắm lấy thời cơ lớn đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

- Trong chiến dịch tổng hợp năm 1972, Phân khu Thủ Biên là chiến trường phối hợp, đẩy mạnh ba mũi giáp công giành quyền làm chủ trên diện rộng và nâng thế làm chủ một bước cao hơn để hoàn thành bước một đánh phá bình định, bung dân về xóm cũ sản xuất đông hơn, diện rộng hơn ở một số vùng trong các huyện Châu Thành, Tân Uyên... Phát huy khả năng ba thứ quân, liên tục tiến công tiêu diệt lực lượng ác ôn, kìm kẹp… tập kích các đại đội bảo an đóng ở Tân Bình, Phú Chánh... loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch.

Có thể là hình ảnh về 1 người    Có thể là hình ảnh về 1 người

- Cuối tháng 7/1972, cùng với du kích Bình Cơ, bộ đội Tân Uyên bao vây cô lập bót Bình Cơ suốt 1 tuần lễ, cắt đứt giao thông đường 16. Đến ngày 03/8, Tiểu đoàn bảo an 306 từ Tân Uyên tiến vô Bình Cơ phản kích, bị ta chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt một đại đội, đánh thiệt hại nặng một đại đội khác. Ngày 04/8, Đại đội bảo an 171 từ Phú Giáo xuống giải tỏa Bình Cơ, bị ta đánh thiệt hại nặng. Cùng lúc ấy, tại Chi khu Tân Uyên, ta tổ chức nhiều đợt đột kích, đánh phá uy hiếp địch.

- Tháng 9/1972, Phân khu Thủ Biên giải thể, tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập. Đồng chí Nguyễn Văn Trung (Sáu Trung), được Trung ương Cục chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Lúc này huyện Tân Uyên thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.

- Từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đến tháng 01/1973, các lực lượng dân, quân, chính, đảng ở vùng Bắc Tân Uyên đã trải qua 5 năm chiến đấu hy sinh, gian khổ và quyết liệt, từng bước khôi phục củng cố và phát triển thực lực cách mạng; kiên cường bám trụ, đánh địch phản kích. Các lực lượng của địa phương cùng chủ lực Khu, Miền đã anh dũng chiến đấu bền bỉ đánh bại âm mưu bình định và cô lập căn cứ của địch. Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải chịu thất bại cuốn cờ về nước. Mỹ đã cút, nhưng ngụy chưa nhào. Cuộc đấu tranh của quân và dân ta chưa kết thúc. Các chi bộ, quân và dân Bắc Tân Uyên quyết tâm cùng quân, dân trong tỉnh và cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Vũ Tuấn Trình

---------------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lịch sử Chiến tranh Nhân dân tỉnh Bình Dương (1945-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2014.

3. Lịch sử Công an tỉnh Bình Dương (1945 – 1975). Công an tỉnh Bình Dương. Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng, Tp. Hồ Chí Minh. 2005

3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930 - 1954), quyển 1 (1930 - 1945), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.

4. Lịch sử Đảng bộ Huyện Tân Uyên (1930-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2016.

5. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003.

6. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1975-2010), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

7. Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng huyện Bắc Tân Uyên (1930-2015), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2019.

8. Sông Bé, Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Nhà xuất bản tổng hợp Sông Bé, 1990.

9. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Tân Uyên lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020.

In bài viết
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

VŨ TUẤN TRÌNH

Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn 
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

1
Bạn cần hỗ trợ?