Điện thoại: 0918154511 - Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
banner_thang_11abanner_thang_11bb28-9-2023do_qpbanner_thang_11cbanner_thang_11d
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CÁ NHÂN CỦA THẦY VŨ TUẤN TRÌNH TRƯỜNG THPT LÊ LỢI - BẮC TÂN UYÊN - BÌNH DƯƠNG. CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT THẬT THÚ VỊ!

Chữ quốc ngữ

PHẦN 1
CƠ HỘI NGẪU NHIÊN HAY LỰA CHỌN TẤT YẾU?

( Theo Lê Huy Hoàng - Báo Công An Nhân dân)

Dân tộc Việt Nam từng có chữ Nôm, biểu tượng của sự sáng tạo đặt trong tương quan so sánh với chữ Hán. Và cũng đã có lúc, chữ Nôm được coi là quốc ngữ. Vậy tại sao cuối cùng nó lại phải nhường trận địa và vai trò lịch sử cho chữ quốc ngữ? Đấy là một câu chuyện dài, cần phải được nhìn nhận trong những vận động vừa tương đồng vừa khác biệt của những vùng văn hóa chữ Hán cổ truyền.


I. Những sự sáng tạo thuộc vùng văn hóa chữ Hán

Vùng văn hóa chữ Hán là một khái niệm không quá rạch ròi, trong bài viết này người viết tạm hạn chế trong các nước Đông Á có lịch sử sử dụng chữ Hán làm ngôn ngữ viết chính thức, bao gồm Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Mỗi nước có những con đường riêng trong quá trình phát triển văn tự của bản thân.

Trước hết nói qua về Nhật Bản. Nhật Bản tiếp thu văn hóa Hán từ rất sớm, ngay từ đời Đường đã có những vị như Abe no Nakamaro hay thiền sư Kukai (Không Hải) sang Trường An học tập và làm việc, Nhật Bản vì thế cũng sử dụng chữ Hán làm chữ viết chính thức từ sớm.

Một lớp học ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: L.G.

Tuy vậy, ngay từ thế kỉ thứ IX, người Nhật đã sử dụng chữ “giả danh” (kana) để ghi chép tiếng nói của dân tộc mình. Ban đầu, người Nhật sử dụng chữ Hán nhưng chỉ lấy âm đọc (không quan tâm đến nghĩa chữ) ghi âm tiếng Nhật thời kì đó. Sau đó họ sử dụng chữ Hán theo lối Thảo thư để ghi âm, tạo thành hệ thống “bình giả danh” (Hiragana), tiếp theo đó lại dùng các thành phần của chữ Hán tạo ra “Phiến giả danh” (Katakana).

Cho đến ngày nay, người Nhật đồng thời sử dụng cả Hiragana, Katakana và Kanji (Hán tự) để ghi chép. Hệ thống chữ “giả danh” có đặc điểm cơ bản khác biệt với chữ Hán, đó là một hệ thống hoàn toàn chỉ ghi âm tiết, chứ mỗi kí tự không có chức năng biểu ý như chữ Hán.

Ở bán đảo Triều Tiên, chữ viết riêng xuất hiện muộn hơn. Khoảng thế kỉ XV, vua Thế Tông (Sejong) chỉ đạo các văn thần tạo ra một hệ thống chữ viết đơn giản để ghi âm gọi là “huấn dân chính âm” (ghi âm chính xác để dạy người dân đọc sách); năm 1443 bắt đầu tạo chữ, năm 1446 chính thức ban hành. Hệ thống chữ đó vẫn được dùng đến ngày nay, chính là hệ chữ Hangul.

Ở Việt Nam, chữ Nôm có dấu tích từ khoảng thế kỉ XI, XII. Đến thế kỉ XIII, sử sách đã ghi chép về trường hợp Nguyễn Thuyên giỏi làm thơ quốc âm, tuy nhiên thơ văn chữ Nôm thời kì đó không còn lưu lại.

Triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, cũng đã kịp có chủ trương dịch các sách Nho giáo ra chữ Nôm. Đời Lê về sau, chữ Nôm không được dùng trong văn bản chính thức, nhưng rất phổ biến trong giới văn nhân, chủ yếu để sáng tác thơ văn. Chúng ta không xa lạ với những tác phẩm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, hay Nguyễn Du sau này.

Nhưng, như ta đã biết, khoảng thế kỉ XVII, các giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền giáo, họ bắt đầu dùng hệ chữ Latin để ghi chép tiếng Việt, với mục đích ban đầu là để học tiếng Việt dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly nêu một chi tiết thú vị: trong thời kì cấm đạo gay gắt, có lần giáo sĩ phương Tây bị quân lính bắt, nhưng vì quân lính chỉ tìm thấy văn bản tiếng Latin (có thể là tiếng Latin hoặc tiếng Việt ghi bằng kí tự Latin – tạm gọi là hệ thống “tiền Quốc Ngữ”) mà không thấy văn bản Hán Nôm, nên đã thả đi; từ đó đặt ra giả thiết rằng có thể thứ chữ tiền Quốc Ngữ ấy cũng là một hình thức giao tiếp bí mật giữa các giáo sĩ và linh mục bản xứ trong thời kì cấm đạo.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly trong buổi tọa đàm “Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ: chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc” do tạp chí Tia Sáng tổ chức mới đây cho rằng chữ Quốc ngữ sở dĩ có thể đi từ giới linh mục ra đến bên ngoài và phổ biến rộng rãi là bởi có sự đồng thuận của nhiều bên, bao gồm sự ủng hộ của người Pháp, sự chấp nhận của triều đình Huế cũng như của cả người dân. Trong phần tiếp theo đây, người viết muốn trình bày đôi chút về lí do của chính bản thân chữ Quốc ngữ nữa.

II. Sự lựa chọn tất yếu của lịch sử văn tự

Nói đến chữ Hán phải nhắc đến Trung Hoa. Tới hiện tại, người Trung Quốc vẫn sử dụng chữ Hán, không đổi sang hệ thống chữ ghép âm như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Việt Nam (Nhật vẫn kiêm dụng cả chữ Hán). Nhưng các giáo sĩ cũng đã từng đến Trung Quốc và dùng chữ Latin để ghi âm tiếng Hán, và trong lịch sử hiện đại Trung Quốc cũng đã từng có cuộc vận động bỏ chữ Hán để chuyển sang hệ chữ ghép âm. Một trong những nhân vật tiêu biểu là Lỗ Tấn.

Lỗ Tấn là một nhà văn lớn, có nền tảng văn hóa truyền thống rất dày dặn, nhưng ông cũng là một người đại diện cho tư duy bài trừ cái cũ. Lỗ Tấn cùng nhiều trí thức đương thời cho rằng chữ Hán quá phức tạp, khiến tỉ lệ mù chữ cao, tư duy dân tộc trì trệ, không học được văn minh phương Tây, từ đó kêu gọi bỏ chữ Hán. Cuộc vận động từ bỏ chữ Hán gặp phải rất nhiều khó khăn, không đơn thuần chỉ vì chữ Hán đã được dùng để ghi chép mấy ngàn năm văn minh.

Trang in năm 1651 bên trái là chữ La - tinh, bên phải là chữ Quốc ngữ.

Từ bỏ chữ Hán nghĩa là toàn dân buộc phải học tiếng phổ thông, vì các phương ngữ tiếng Hán khác nhau quá nhiều, người vùng này không thể hiểu tiếng vùng khác; nhưng văn bản chữ Hán thì đều đọc được. Nhưng trong thời kì đó, tiếng phổ thông chưa được phổ cập, nên chưa thể bỏ chữ Hán.

Cuộc vận động đó vẫn còn âm ỉ trong thời kì sau này, mà bước đầu của nó chính là phổ cập tiếng phổ thông. May mắn cho chữ Hán, sau khi phổ cập tiếng phổ thông thì chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng không thể từ bỏ chữ Hán được, và Trung Quốc vẫn hoàn toàn phát triển tốt mà không cần phải bỏ chữ Hán.

Quay trở lại với chữ Quốc ngữ. Câu hỏi được đặt ra là, nước ta đã từng sử dụng chữ Nôm, tại sao không thể tiếp tục sử dụng chữ Nôm như Nhật Bản hay Hàn Quốc tiếp tục sử dụng chữ của họ? Bởi bản thân chữ Nôm có hạn chế riêng của nó. Chữ Nôm không phải hệ thống ghi âm đơn thuần như kana hay Hangul. Chữ Nôm được cấu tạo từ các thành phần chữ Hán, với hình thức tạo chữ giống như chữ Hán.

Một đặc điểm khiến chữ Hán phức tạp là vì số lượng chữ quá đồ sộ, chữ Nôm lại kế thừa đặc điểm đó, trong khi kana hay Hangul có số lượng kí tự khá ít, người học có thể nắm được hết số kí tự và quy tắc ghép âm trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, người học chữ Nôm cần phải biết một lượng chữ Hán nhất định trước, điều đó lại càng khiến chữ Nôm khó phổ biến trong toàn dân. Xét trong lịch sử cũng có thể thấy, đa số người sử dụng chữ Nôm vẫn là các văn nhân, Nho sĩ.

Chữ Quốc Ngữ đúng là được người Pháp hết sức ủng hộ, và triều đình Huế cũng hưởng ứng theo. Chế độ khoa cử được cải cách mạnh mẽ, bên cạnh nội dung thi kinh điển thì có cả thi viết chính tả chữ Quốc ngữ và thi dịch tiếng Pháp.

Có những người ra sức phản đối điều này, điển hình như Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) hay Trần Tế Xương (Tú Xương). Tuy chưa mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hiện đại, nhưng những văn nhân đó mang tư tưởng “Hoa Di”, cho rằng những gì người phương Tây đem tới đều là “tà giáo” hoặc “man di”.

Nhưng cùng với sự du nhập của chủ nghĩa dân tộc hiện đại, một lượng không nhỏ các sĩ phu văn thân yêu nước lại ra sức ủng hộ chữ Quốc ngữ. Họ đã thấy được vấn đề từ bản thân hệ thống văn tự: chữ Hán, chữ Nôm quá phức tạp, không thể nhanh chóng xóa mù chữ cho người dân. Người dân cần được xóa mù chữ để tiếp xúc với văn minh phương Tây, nâng cao tinh thần yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc hiện đại, từ đó dễ dàng kêu gọi người dân cùng tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp và chống triều đình quân chủ hơn.

Cho đến khi các nhà in và các tòa báo ra đời, chữ Quốc ngữ lại càng thể hiện sự ưu việt của nó trong thời đại mới. Nhờ chữ Quốc ngữ, nhờ nhiều người biết đọc biết viết, các ấn phẩm mang xu hướng yêu nước và tư tưởng độc lập nhanh chóng được lan truyền.

Trên thực tế, không cần đợi triều đình Huế chính thức bãi bỏ chế độ khoa cử, càng không cần đợi đến khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tuyên bố chữ Quốc ngữ là hệ thống chữ viết chính thức, chữ Quốc ngữ đã sớm thể hiện vai trò mạnh mẽ của nó trong xã hội.

III. Có đứt gãy, nhưng…

Trong dòng chảy lịch sử, các nước sử dụng chữ Hán đã dần dần xa rời chữ Hán, cố gắng tạo ra thứ chữ của riêng mình, ghi chép tiếng nói của dân tộc mình. Việt Nam đã có chữ Nôm, nhưng hệ chữ Quốc Ngữ trong thời đại mới đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó; hệ quả tất yếu là chữ Hán và chữ Nôm rút khỏi vũ đài lịch sử, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ.

Không thể phủ nhận, chữ Quốc ngữ cũng đã gián tiếp tạo ra một sự đứt gãy về văn hóa, khiến người ngày nay vất vả hơn trong việc tìm hiểu lịch sử. Nhưng, xin được nhắc lại, chữ Quốc ngữ vẫn là một lựa chọn tất yếu của lịch sử.

Có thể dạy chữ Hán chữ Nôm, nhưng không thể thay thế chữ Quốc ngữ. Nước ta vẫn có thể hàn gắn được sự đứt gãy về văn hóa nhờ vào việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và giáo dục.


PHẦN 2
3 NGƯỜI CHA CỦA CHỮ QUỐC NGỮ

( Theo Dũng Phan - Báo An ninh Thế giới Online)

Trên chuyến tàu lịch sử lao nhanh về phía trước, đôi khi vì một lý do vô tình hay hữu ý nào đó, chúng ta quên mất những bậc tiền nhân có vai trò nắn lại dòng chảy thời cuộc. Đó là những bậc tiền nhân trầm khuất. Họ chìm mình xuống lịch sử, và khuất bóng trong sự tri ân của hậu thế. Loạt bài  “Góc nhìn hậu thế” xin kể về những tiền nhân như thế.

I. Francisco De Pina: Người đặt nền móng 

Tên của ông đã nằm dưới lớp trầm tích lịch sử suốt cả trăm năm qua. Chỉ đến khi một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” vào năm 2016, thì sự đóng góp của ông mới được tìm về. Francisco De Pina chính là tên của người được coi là “thủy tổ” của chữ Quốc ngữ qua các tài liệu được viện dẫn gần đây. 

Trước đó, trong tác phẩm Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội công giáo Việt Nam nhà sử học, kiêm ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques, đã đưa bản sao bức thư 7 trang viết tay viết từ Hội An đầu năm 1623, cùng tập tài liệu có tên Nhập môn tiếng Đàng Ngoài gồm 22 trang viết tay được xác định đều là của Francisco de Pina trong bộ sưu tập Dòng Tên tại châu Á, tại Thư viện quốc gia Lisbon. 

Tất cả đã chứng minh rằng Francisco De Pina đã đi trước Alexandre de Rhodes trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Hậu thế hôm nay vốn đã không nhắc đến nhiều về Alexandre de Rhodes, và lại càng biết ít về Francisco De Pina.

Francisco De Pina.

Theo cuốn sách của Roland Jaques thì giáo sĩ Francisco De Pina sinh năm 1585 tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha. Năm 20 tuổi, ông qua Macao để học tập và truyền giáo. 

Đầu năm 1617, De Pina đến truyền giáo tại Đà Nẵng và Hội An. Nhưng một cơ duyên xảo hợp với quan Trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hoà đã đưa ông đến với đô thị cổ hàng đầu của Đàng Trong khi đó: Nước Mặn (Bình Định). 

Tại đó, để phục vụ cho việc truyền đạo, De Pina đã học Tiếng Việt, và nhanh chóng thông thạo. Tiếp đó, ông đi ra dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam để mở thêm cơ sở truyền đạo mới. Cùng với Nước Mặn thì Thành Chiêm cũng trở thành địa điểm truyền dạy tiếng Việt của Dòng Tên ở Việt Nam. 

Một trong những học trò của giáo sĩ Francisco De Pina chính là giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Để tri ân người thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của mình, sau này Alexandre de Rhodes đã viết: “Người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.

Giáo sĩ Francisco de Pina nhận được sự tôn trọng rộng khắp từ các giáo sĩ, giáo dân, và cả những người Việt trong vùng vì cách nói chuyện bằng tiếng Việt. Chúng ta hôm nay nói tiếng Việt, nhưng nếu bạn nghe người nước ngoài nhận xét về tiếng Việt, hẳn sẽ bất ngờ. Họ miêu tả chúng ta nói mà “líu lo như tiếng chim hót”. 

De Pina với khả năng cảm thụ ngôn ngữ thiên tài đã nhận ra điều đó khi nhận định về tiếng Việt: “Ngôn ngữ này là một ngôn ngữ có cung điệu, giống như cung nhạc, và cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau đó mới học các âm qua bảng chữ cái”. Đấy chính là bí quyết cho người xứ khác học nói tiếng xứ này, và cũng là nguyên do ông tạo nên chữ Quốc ngữ.

Ngày 15-12-1625, trên chiếc thuyền nhỏ đi đón hàng ở Hội An, ông bị chết đuối khi thuyền gặp lốc và bị đắm. Đám tang của ông, hàng trăm người dân địa phương đến tiễn đưa. Họ không hề biết đó là người sẽ tạo nên chữ của dân tộc Việt sau này.

II. Alexandre de Rhodes: Người hoàn thiện 

Nếu Francisco de Pina là cha đẻ, thì Alexandre de Rhodes chính là người “phát dương quang đại” cho chữ Quốc ngữ. Ông đã tập hợp, chỉnh lý, bổ sung, và hoàn chỉnh những công trình chữ Quốc ngữ còn sơ khai mà giáo sĩ Francisco de Pina và các cộng sự người Việt đi trước để lại, và biên soạn cuốn Từ điển Việt - Bồ - La nổi tiếng. 

Sau đó, sử dụng các hoạt động, mà chúng ta tạm gọi là “vận động hành lang” ở giáo hội để đưa chữ Quốc ngữ trở thành một công trình chữ được ghi nhận và công bố rộng rãi. Alexandre de Rhodes không phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ như sự hiểu lầm suốt trăm năm qua, nhưng ông là người đã làm “giấy khai sinh” cho loại chữ này. Chỉ với điều đó, tên ông xứng danh với nghìn thu. 

Để tri ân ông, Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên ông đặt cho con đường gần khu vực Dinh Thống Nhất và nằm đối diện với đường Hàn Thuyên, ấy là người đã có vai trò như de Rhodes, nhưng là ở chữ Nôm.

Alexandre de Rhodes.

Alexandre de Rhodes là linh mục thuộc Dòng Tên, một người Pháp sinh ra ở Avignon, miền Nam nước Pháp. Ông sinh ngày 15-3, năm sinh tranh cãi giữa 1591 và 1593. 

Nhận định về ông, Charles Maybon – tác giả của cuốn sách Histoire moderne du pays d'Annam 1592-1820 - (Lịch sử cận đại xứ An Nam 1592-1820) đã viết: “…Với hơn bảy năm ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, linh mục De Rhodes đã hiểu biết sâu sắc về tiếng nói, phong tục và tính nết của người An Nam, cũng như về tài nguyên và lịch sử nước này...”. 

“…Ngoài những sách nhằm mục đích làm cho Âu châu hiểu biết về đất nước An Nam, ông còn cho ấn hành tại La Mã một cuốn sách giáo lý vừa bằng tiếng Latin vừa bằng tiếng Nam (quốc ngữ) cho người bản xứ dùng; một cuốn từ điển ba thứ tiếng Việt-Bồ-La cho các giáo sĩ thừa sai sử dụng. Đó là những cuốn sách đầu tiên mà trong đó các mẫu tự La Mã được dùng để phiên âm tiếng nói người Nam…”.

Công lao là vậy, nhưng đời ông rất lận đận ở xứ sở mà ông xem là quê hương thứ 2 của mình, với 6 lần bị trục xuất và lần nào cũng cố tìm đường quay trở lại bởi “Tôi đi, nhưng trái tim tôi ở lại xứ đó rồi”.

Ngày 5-11-1660, ông qua đời tại thành phố Ispahan, Ba Tư, tức Iran ngày nay. Mộ của ông đặt tại một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran. Mộ ông nằm cô đơn, cái chết của ông cũng cô đơn. Sau hơn 300 năm, thỉnh thoảng ngôi mộ của ông vẫn được đôi ba người Việt xa xứ tìm đường ghé đến, chỉ để vẩy lên đó những giọt nước cho người đã giúp cho chữ Quốc ngữ thành hình.

Dẫu mục đích ban đầu chỉ là để truyền giáo, nhưng cả Francisco De Pina lẫn Alexandre de Rhodes đều đã làm nên những công tích vĩ đại cho ngày sau. Như chính tờ nguyệt san MISSI nói về công trình khai sinh chữ quốc ngữ của họ: ”Khi cho Việt Nam các mẫu tự La-tinh, Cha Alexandre de Rhodes đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ”. Việt Nam hôm nay nói và dùng chữ Quốc ngữ, há có thể quên những giáo sĩ đó ư?

III. Nguyễn Văn Vĩnh: Người phát quang

“Công rạng rỡ nếp gia phong con cháu mấy châu ngàn đời vẫn nhớ
Ơn mở mang nền Quốc ngữ người dân nước Nam muôn thuở không quên”

Đó chính là hai câu đối của kiến trúc sư Tô Văn Y ở Bảo Lộc, Lâm Đồng kính tặng cho nhà báo/ dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh. Một con người Việt Nam, một nhà báo, một dịch giả nổi tiếng mà tuổi ngoài 20 đã dịch trọn vẹn Kim Vân Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ và tập truyện Ngụ ngôn của La-Phông-ten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. 

Tất cả những việc làm đó chỉ để chứng minh cho tất cả thấy chữ Quốc ngữ có thể làm được gì? Và sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong buổi giao thời ngày đó.

Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15-6-1882 tại Hà Nội. Bởi vì sinh trưởng trong gia đình nghèo nên Nguyễn Văn Vĩnh phải bôn ba lặn lội. Sau này, tính tự học của ông đã rung cảm được một thầy giáo người Pháp đương thời. Từ đó, dọn đường cho ông thâu nạp các kiến thức mới. 

Sinh thời, chữ Quốc ngữ vốn do Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes sáng tạo với mục đích ban đầu là truyền đạo nên chữ này chỉ được dùng trong giáo hội và các giáo dân. Nguyễn Văn Vĩnh thì tin rằng tương lai của dân tộc phát triển hay không là ở chữ Quốc ngữ, từ đó, tìm đủ mọi cách để chữ Quốc ngữ đi ra với mọi người.

Năm 1907, ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Rồi tiếp đến là tờ Đông Dương tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ. Các tác phẩm nổi tiếng của Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas,... đều được ông dịch ra chữ Quốc ngữ. Phải nói, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với Phan Kế Bính đương thời là những con người tiên phong trong văn học chữ Quốc ngữ của nước nhà.

Năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh mất ở Lào vì bệnh sốt rét. Thi thể ông nằm trên con thuyền độc mộc, cô đơn trầm kha như một nhân vật lịch sử bị người đời quên lãng.

Chữ Quốc ngữ hôm nay là một ngôn từ độc nhất. Hậu thế có quyền kiêu hãnh với ngôn ngữ của Việt Nam. Nhưng đó là sự kiêu hãnh được xây dựng trên bi kịch của rất nhiều phân phận trầm khuất, từng có những giai đoạn gần như bị lãng quên.

 

PHẦN 3
NGƯỜI TRUNG QUỐC HỎI VÌ SAO VIỆT NAM LOẠI BỎ CHỮ HÁN ĐÃ DÙNG HƠN NGHÌN NĂM?
(Thông tin và hình ảnh lấy từ trang Toutiao của Trung Quốc)

Đây là một bài viết đăng trên mạng Toutiao của Trung Quốc để lý giải về việc tại sao Việt Nam đã dùng chữ Hán hơn ngàn năm mà đến 1945 lại quyết định loại bỏ.

Bài báo viết: “Văn hóa Trung Hoa bác đại tinh thâm, trong dòng chảy lịch sử lâu dài đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước lân bang. Cho đến hiện tại, có một số văn hóa vẫn xuất hiện trước mắt chúng ta, chẳng hạn trà đạo, trang phục… Thực tế còn có văn tự. Trong lịch sử cổ đại, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều sử dụng chữ Hán Trung Quốc. Nhưng sau khi bước vào thời cận đại, các nước này đều loại bỏ chữ Hán. Năm 1945, Việt Nam loại bỏ chữ Hán đã sử dụng hơn ngàn năm. Vì sao lại như vậy?

Việt Nam vốn là một bộ phận của các vương triều Trung Nguyên từ sau khi Tần triều thống nhất đã thuộc vương triều Trung Nguyên. Trong thời kỳ nhà Hán, Việt Nam thuộc về đất Giao Châu. Đến thời Đường, Việt Nam thuộc về Đạo Lĩnh Nam. Thời Ngũ đại thập quốc, nhân dịp các nước Trung Nguyên hỗn chiến, Việt Nam thoát khỏi sự khống chế của chính quyền Nam Hán. Sau khi nhà Bắc Tống thành lập, do phải đối mặt với nước Liêu hùng mạnh cho nên cũng không có sức khôi phục lại sự thống trị ở Việt Nam. Nhưng văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng Việt Nam rất sâu sắc. Từ văn tự đến phụ trang, Việt Nam đều sử dụng theo chế độ của Trung Hoa. Từ triều Tống, Việt Nam thành một trong ba thuộc quốc của vương triều Trung Nguyên. (Xin chú thích: đoạn trên đây là dịch theo nguyên văn. Đó là góc nhìn của người Trung Quốc, họ được giáo dục rằng Việt Nam ta vốn là một bộ phận của họ. Còn chúng ta thì chưa bao giờ nghĩ ta là bộ phận của Trung Quốc. Chúng ta biết mình bị họ xâm lược, đô hộ ngàn năm nhưng cuối cùng chúng ta đã giành lại được độc lập của mình dù về mặt ngoại giao thì các triều đại phong kiến nước ta vẫn cúi đầu xưng thần, hàng năm mang lễ vật sang cống nạp).

Do chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa rất lớn, Việt Nam đã sử dụng chữ Hán. Trong thời kỳ sau Bắc Tống, Việt Nam thậm chí còn phỏng theo phong kiến TQ, bắt đầu chế độ khoa cử. Khi đó văn nhân Việt Nam cần học chữ Hán, phát âm không giống nhưng phương thức viết thì thống nhất. Sau khi người Mãn vào làm chủ trung nguyên, Việt Nam và nước Lưu Cầu (là một phần của lãnh thổ Nhật Bản ngày nay) đều tự xưng mình là tiểu Trung Hoa. Từ trang phục mà nói, thực sự xuất hiện sự khác nhau rõ ràng. Nhưng đối mặt với thanh triều hùng mạnh, các nước đều phải xưng thần. Cũng trong thời kỳ giữa nhà Thanh, danh từ Việt Nam xuất hiện chính thức. Danh từ này là vua Gia Khánh nhà Thanh sách phong (câu chuyện từ Việt Nam không đơn giản là sách phong của Việt Nam mà có liên quan đến nhiều chuyện, xin thuật vào bài khác). Trước đó Việt Nam bị gọi là An Nam.

Sau chiến tranh nha phiến, triều Mãn Thanh ngày một hủ bại, đã không còn sức duy trì hệ thống phiên quốc của mình. Năm 1885, quân đội Pháp chiếm Việt Nam. Khi đó, triều Thanh từng phái quân đội tăng viện, nhưng cuối cùng không bại mà bại. Sau khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, nước Pháp tự nhiên thi hành sự thống trị có lợi cho mình. Người Pháp phát hiện Việt Nam có liên quan đến văn hóa với Trung Quốc rất sâu, đặc biệt là về phương diện chữ viết. Năm 1917, Pháp cấm học sinh người Việt học chữ Hán. Hai năm sau đó, lại cưỡng bức vua Việt Nam loại trừ chế độ khoa cử. Từ đó trở đi, chữ Hán bắt đầu mất địa vị ở Việt Nam.

Sau khi bãi bỏ chữ Hán, một lớp người Việt Nam mới chỉ có thể đọc chữ quốc ngữ, lớp người già có một số có thể đọc và viết chữ Hán. Chữ quốc ngữ chính là xuất hiện trên cơ sở tiếng Pháp, hoàn toàn tượng thanh. Nhưng theo thời gian, lớp người cũ dần dần mất đi. Trong thời kỳ Thế chiến II, PHáp bị Đức chiếm, Nhật Bản nhân cơ chiếm Việt Nam. Năm 1945, Nhật Bản thua trận đầu hàng, Việt Nam tuyên bố độc lập. Lúc đó, Việt Nam xác định chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức. Từ đó về sau, những người có thẻ đọc hiểu và viết được chữ Hán càng ngày càng ít ở Việt Nam.

ến nay Việt Nam vẫn đang sử dụng rất nhiều lễ truyền thống, chẳng hạn Tết Nguyên Đán, tết Trung Thu… Người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán, cũng dán câu đối. Nhưng một vấn đề xuất hiện là trên câu đối không nên là chữ quốc ngữ, chỉ nên là chữ Hán. Trước mỗi dịp Tết, ở Việt Nam sẽ xuất hiện những người chuyên viết câu đối. Ngoài ra, học sinh học lịch sử, quốc văn cũng cần học chữ Hán. Nếu không như vậy thì khi đọc các thư tịch cổ, cơ bản không hiểu viết cái gì. Các nhà sư ở Việt Nam cũng vẫn học chữ Hán, bởi vì kinh Phật đều là bản chữ Hán, có những bản kinh vẫn chưa được phiên dịch ra chữ quốc ngữ.

 

PHẦN 4
TẠI SAO VIỆT NAM CẢI CÁCH THÀNH CÔNG CHỮ VIẾT, TRUNG QUỐC THÌ KHÔNG?

( Theo Nguyễn Hoàng Hải - chuyên trang Nghiên cứu quốc tế)

 

I. Tiếng Việt kỳ diệu

Hai dân tộc Kinh Việt Nam và Hán Trung Quốc (TQ) có nhiều điểm giống và khác nhau. Trong 1000 năm Bắc thuộc, nước ta bị Hán hóa toàn diện, các khác biệt bị xói mòn rất nhiều, kể cả về huyết thống. May sao tổ tiên ta vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất – ngôn ngữ. Giữ được thế cũng là nhờ tiếng Việt tiềm ẩn những tính năng kỳ diệu, chẳng hạn ngữ âm cực kỳ phong phú, có thể ghi âm hầu như mọi ngữ âm ngoại ngữ.

Sau 1.000 năm bị Hán hóa, ngôn ngữ Việt chấp nhận chữ Hán nhưng cấm cửa tiếng Hán. Tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt (gọi là từ Hán-Việt) mà không đọc bằng tiếng Hán, tức Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến thành chữ của mình, gọi là chữ Nho với ý nghĩa “Chữ của người có học”. Chữ Nho chính là chữ Hán đượcphiên âm ra tiếng Việt, vì thế dễ học hơn. Tổ tiên ta có thể dùng chữ Nho bút đàm giao dịch với quan chức chính quyền chiếm đóng, đạt được yêu cầu bắt dân ta học chữ của chúng. Rốt cuộc người Việt có chữ để ghi chép và giao tiếp nhưng vẫn đời đời nói tiếng mẹ đẻ, không ai nói tiếng Hán. Mưu toan Hán hóa ngôn ngữ hoàn toàn thất bại.

Giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ và nhờ đó giữ được nòi giống và đất nước mình — đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, là tổ tiên ta đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng bản ngữChữ Nho đã thầm lặng vô hiệu hóa quá trình Hán hóa ngôn ngữ. Từ Hán-Việt đã giúp kho tàng từ vựng tiếng Việt phong phú thêm nhiều lần cả về số lượng và mỹ cảm. Cho dù khoảng 60% từ vựng tiếng Việt hiện nay có gốc Hán ngữ nhưng đó chỉ là hiện tượng giao thoa ngôn ngữ bình thường. Chẳng hạn tại TQ, khoảng 70% từ ngữ tiếng Hán hiện đại có gốc tiếng Nhật.

Để sửa nhược điểm chữ Nho không ghi được tiếng Việt, vào khoảng thế kỷ 12 tổ tiên ta làm một thử nghiệm ngôn ngữ táo bạo: sáng tạo chữ Nôm có yếu tố biểu âm, ghi được tiếng Việt. Chữ Nôm cấu tạo trên nền tảng chữ Hán, biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, vì vậy phụ thuộc Hán ngữ và khó phổ cập, lại chưa được nhà nước công nhận, thời gian tồn tại quá ngắn so với chữ Nho. Tuy vậy, do văn thơ chữ Nôm thể hiện được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tạo dựng được một nền văn học mới trội hơn hẳn văn học chữ Nho, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ nền văn hóa Việt. Thử nghiệm này còn hé lộ một tiềm năng cực kỳ quý giá của tiếng Việt — thích hợp chữ biểu âm(phonograph). Đây là điều kiện tất yếu để 5 thế kỷ sau các giáo sĩ Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes…làm được chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. Giả thử các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy đến TQ làm chữ biểu âm cho tiếng Hán thì chắc chắn họ sẽ thất bại, bởi lẽ tiếng Hán không thích hợp chữ biểu âm.

Với hai ưu điểm quý giá –– biểu âm và Latin hóa, chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi hẳn đời sống ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền văn minh Việt. Loại chữ này ghi âm được 100% tiếng Việt, thực hiện nói/nghĩ thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy, lại dễ học dễ dùng chưa từng thấy. Giới tinh hoa nước ta ca ngợiChữ Quốc ngữ là hồn đất nước.

Nói chữ biểu âm Latin hóa là loại chữ viết tiên tiến chắc sẽ bị những người theo “Thuyết chữ Hán ưu việt” phủ định, nhưng lại được hai sự việc sau khẳng định: 1) Người TQ từng bỏ ra ngót 100 năm thực thi cải cách chữ viết theo hướng làm chữ biểu âm Latin hóa thay cho chữ Hán. 2) Toàn bộ 14 phương án chữ viết do Nhà nước TQ sau năm 1949 làm cho 10 dân tộc thiểu số chưa có chữ đều dùng chữ biểu âm Latin hóa. Dân tộc Tráng từ xưa đã có chữ vuông kiểu chữ Nôm, Nhà nước vẫn làm chữ mới biểu âm Latin hóa cho họ.

Chữ Quốc ngữ đã thúc đẩy nền văn minh Việt phát triển với tốc độ gấp trăm lần quá khứ. Thứ chữ này nhanh chóng được toàn dân chào đón và học tập, vừa nâng cao dân trí vừa có tác dụng thống nhất âm tiếng Việt trong cả nước, qua đó góp phần thống nhất dân tộc. Dùng chữ Quốc ngữ có thể dịch các từ ngữ Hán hoặc Nôm và ngoại văn ra tiếng Việt, nhờ thế dân ta được tiếp xúc với kho tàng văn hóa của tổ tiên, các trào lưu tư tưởng mới và khoa học kỹ thuật phương Tây. Các lĩnh vực văn học, giáo dục, nghệ thuật, báo chí, xuất bản nhanh chóng hình thành và phát triển, vượt xa mấy nghìn năm cũ. Cây văn hóa Việt Nam vươn cao, thoát khỏi nguy cơ còi cọc vì cớm nắng do ở cạnh đại thụ văn hóa Trung Hoa. Phạm Quỳnh nói Chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Đúng thế, dùng chữ Quốc ngữ có thể ghi lại mọi ý nghĩ, không bị gián đoạn do phải tra tìm chữ như khi dùng chữ Hán, chữ Nôm. Trí tuệ được giải phóng dẫn đến sự hình thành một tầng lớp trí thức tân tiến. Do chữ cái Latin dùng được kỹ thuật in chữ rời, các sách báo, ấn phẩm đua nhau xuất bản. Các tổ chức cách mạng đều dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền tư tưởng yêu nước chống thực dân phong kiến.

Chữ Quốc ngữ làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ hoàn toàn độc lập với Hán ngữ. Thời xưa Việt Nam, Nhật, bán đảo Triều Tiên đều dùng chữ Hán; khi thấy mặt hạn chế của nó, cả ba đều cố “Thoát Hán” về ngôn ngữ. Bán đảo Triều Tiên thế kỷ 15 làm chữ biểu âm Hangul, nhưng Hàn Quốc hiện vẫn phải dùng chữ Hán để chú giải các từ ngữ cần chính xác (như về pháp lý). Người Nhật thế kỷ 9 làm chữ biểu âm Kana, nhưng hiện vẫn dùng gần 2000 chữ Hán. Riêng Việt Nam nhờ dùng chữ Quốc ngữ mà từ năm 1919 chính thức bỏ chữ Hán. Quá trình “Thoát Hán -Thoát Khổng” này nhanh gọn, không gây ra sự đứt gãy văn hóa, là một thắng lợi văn hóa-tư tưởng cực kỳ quan trọng của dân tộc ta.

II. Hán ngữ nhìn từ tiếng Việt

Sau khi tiếp xúc phương Tây, giới tinh hoa TQ nhận ra các nhược điểm nghiêm trọng của chữ Hán. Từ cuối thế kỷ 19, họ bắt đầu nghiên cứu cải cách Hán ngữ theo hướng phiên âm hóa chữ Hán do nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đề ra năm 1605. Đầu tiên họ làm ra chữ thiết âm (1892), đến 1911 đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm. Thời Ngũ Tứ, nhiều học giả đòi bỏ chữ Hán, dùng chữ phiên âm. Năm 1918, TQ ban hành phương án “Chú âm Tự mẫu” dùng 39 chữ cái ghi âm Hán ngữ, là công cụ để nghiên cứu phần ngữ âm tiếng Hán. Phương án này hiện vẫn dùng ở Đài Loan và trong các tự điển của TQ.

Năm 1952, Mao Trạch Đông chỉ thị cải cách chữ Hán phải theo xu hướng phiên âm chung của thế giới. Năm 1954 TQ lập Ủy ban Cải cách chữ viết, tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô lớn chưa từng có. Ngô Ngọc Chương, Chủ nhiệm Ủy ban, nói: TQ sau này sớm muộn sẽ phải chuyển sang dùng chữ phiên âm (tức chữ biểu âm), đây là quy luật khách quan phát triển chữ viết của thế giới; nhưng TQ không chủ trương bỏ chữ Hán…

Cải cách chữ viết đã đạt được thành tựu quan trọng:  – Đơn giản hóa (bớt nét) được vài nghìn chữ Hán để chữ trở nên dễ học dễ nhớ;  – Làm ra Phương án Pinyin Hán ngữ dùng chữ cái Latin có thể ghi chú âm (phiên âm) cho chữ Hán, mã hóa chữ Hán đưa vào máy tính, đánh chữ trên máy tính và smartphone, quốc tế hóa chữ Hán;  – Chuẩn hóa chữ Hán, xác định Tiếng Phổ thông (Standard Mandarin) là tiếng nói của toàn dân. Các thành tựu trên đã được luật hóa và áp dụng trong cả nước, giúp nâng cao tỷ lệ biết chữ, thống nhất ngôn ngữ. Hiện nay TQ đã áp dụng rộng rãi chế độ “Nhất ngữ Song văn”(Một tiếng nói, hai chữ viết): Toàn dân nói một thứ tiếng Phổ thông; chữ Hán là chữ viết pháp định, vẫn dùng như cũ, kèm theo dùng chữ Pinyin Hán ngữ để ghi âm chữ Hán.

Từ 1986, Ủy ban Cải cách chữ viết TQ ngừng đặt vấn đề làm chữ biểu âm thay chữ Hán, và nói tương lai chữ Hán sẽ do các thế hệ sau quyết định. Nghĩa là rốt cuộc TQ đã không đạt được mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.

Ở đây có hai vấn đề: có nên bỏ chữ Hán không và có thể làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ không. Rõ ràng, bỏ chữ Hán sẽ gây thảm họa bỏ mất di sản vĩ đại của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm; 1,4 tỷ người Hoa không thể chấp nhận. Mặt khác, việc làm chữ biểu âm có nhiều khó khăn, chủ yếu do Hán ngữ có quá nhiều chữ hoặc từ đồng âm.

Chữ/từ đồng âm (homophonic words) là những chữ/từ khác nhau về tự hình và ý nghĩa nhưng đọc cùng âm, do đó mỗi chữ/từ có nhiều ý nghĩa khác nhau, khi nghe đọc hoặc khi dùng chữ biểu âm sẽ không phân biệt được, gây hiểu lầm. Chữ đồng âm dẫn tới cụm từ đồng âm, làm cho ngôn ngữ kém chính xác. Đây là vấn đề của Hán ngữ chứ không phải của chữ Hán. Một ngôn ngữ chính xác thì không nên có chữ/từ đồng âm, nhưng thực tế ngôn ngữ nào cũng ít nhiều có hiện tượng này. Khi có nhiều chữ/từ đồng âm thì không thể dùng chữ biểu âm –– vì nhìn chữ sẽ chẳng hiểu gì. Như câu     khi nhìn chữ Hán (chữ biểu ý, ideograph) thì có thể hiểu ý nghĩa, nhưng nhìn chữ biểu âm Ta jiao ta gen ta zou thì chẳng thể hiểu, vì ba chữ  (he, she, it) cùng đọc [ta]. Đoạn văn 施氏食狮史 cho thấy rõ nạn nhiều chữ/từ đồng âm đã giết chết chữ biểu âm.

Tổ tiên người TQ hiểu lẽ đó nên đã làm chữ viết có tính biểu ý (tức chữ Hán) mà không làm chữ biểu âm. Thế nhưng hiện nay một số học giả TQ vẫn hy vọng giải quyết được vấn đề chữ đồng âm và do đó làm được chữ biểu âm cho Hán ngữ.

Qua nghiên cứu tiếng Hán từ trên nền tảng tiếng Việt, chúng tôi cho rằng hy vọng nói trên là không hiện thực. Ngay từ năm 1954 Ủy ban Cải cách chữ viết TQ đã đặt nhiệm vụ tham khảo chữ Quốc ngữ Việt Nam. Nhưng năm 2009 một học giả hàng đầu TQ chê bai: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.” Do nhìn chữ Quốc ngữ với con mắt trọng tự hình, nhẹ ngữ âm nên họ chỉ thấy “giày, mũ” mà chưa thấy một điều quan trọng: tiếng Việt giàu âm tiết, tiếng Hán nghèo âm tiết, do đó Hán ngữ có quá nhiều chữ đồng âm, hậu quả là không làm được chữ biểu âm.

“Nghèo âm tiết” là nói số âm tiết của ngôn ngữ đó nhỏ hơn số đơn từ thông dụng.

Để xác minh Hán ngữ nghèo âm tiết, chúng tôi đã dùng “Tự điển Tân Hoa” bản thứ 10 新华字典第10版 双色本 (có 8.700 đơn tự) để thống kê số âm tiết có trong tự điển, kết quả được 415 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 393 âm tiết có 2 chữ trở lên (tức có chữ đồng âm); đổ đồng mỗi âm tiết có 22 chữ đồng âm. Một số âm tiết có quá nhiều chữ đồng âm: [yi] có 135, [ji] – 123, [yu] – 118, [xi] – 103,…. So với 8.105 chữ thông dụng Nhà nước TQ quy định thì 415 âm tiết rõ ràng là nghèo âm tiết

Số liệu trên không khác với số liệu của TQ.[1] Li Gong-Yi dựa “Hán tự Tin tức tự điển” (7.785 đơn tự) thống kê, được414 âm tiết không xét thanh điệu, gồm 22 âm tiết có một chữ, 392 âm tiết có chữ đồng âm; [yi] có 131, [ji] – 121, [yu] – 115, [xi] – 102, [fu] – 99 chữ. Khi thống kê theo “Từ Hải” (19.485 đơn tự), âm [yì] (khứ thanh) có 195 chữ! Thống kê âm tiết có xét thanh điệu thì tiếng Hán có khoảng 1.400 âm tiết –– so với 8105 chữ thông dụng thì vẫn là quá nghèo âm tiết. Nếu xét toàn kho chữ Hán có khoảng 100 nghìn chữ (và không ngừng tăng) thì số chữ đồng âm quá nhiều.

Dễ thấy tiếng Việt giàu âm tiết: có 11 âm ă, â, b, đ, gh, ô, ơ, ư, v, ng, nh mà tiếng Hán không có; về thanh điệu tiếng ta có 6, tiếng Hán 4. Thống kê âm tiết (không xét thanh điệu) bắt đầu bằng nguyên âm A: tiếng ta có 27, tiếng Hán có 5 âm tiết.[2] Hơn nữa tiếng ta có nhiều âm tiết chưa dùng, như đỉu, đĩu, bỉa, bĩa… Hiện chưa có số liệu âm tiết tiếng Việt do Nhà nước công bố. Một công bố trên mạng cho biết tiếng Việt có 17.974 âm tiết, trong đó quá nửa chưa dùng. Một công bố khác nói có hơn 6.000 âm tiết đã dùng.

Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn âm tiết (đơn lập, monosyllabic), mỗi tiếng một âm tiết, do đó cần dùng rất nhiều âm tiết, vì thế dễ xảy ra nạn lắm chữ/từ đồng âm. Như đã nói, tiếng Việt giàu âm tiết nên không có nạn đồng âm, do đó làm được chữ biểu âm; tiếng Hán nghèo âm tiết nên có nạn đồng âm nghiêm trọng, do đó không làm được chữ biểu âm. Theo chúng tôi, chừng nào Hán ngữ còn là ngôn ngữ đơn lập và nghèo âm tiết thì còn chưa thể làm chữ biểu âm, suy ra không thể thay được chữ Hán. Kết luận này dường như không hợp với quan điểm của một số học giả TQ.

Đặc điểm của ngôn ngữ đa âm tiết

Có một sự thực khó hiểu: tiếng Nhật ít âm tiết hơn tiếng Hán (100 so với 415) mà vẫn làm được chữ biểu âm Kana –– điều đó chứng tỏ tiếng Nhật có số đơn từ khác âm nhiều hơn số đơn từ thông dụng.

Như đã biết, tiếng Nhật thuộc loại ngôn ngữ đa âm tiết (đa lập, multisyllabic), ví dụ từ samurai  Hiroshima có 3 và 4 âm tiết.

Trong ngôn ngữ đa âm tiết, mỗi đơn từ có thể là một chỉnh hợp (arrangement, tức tổ hợp có phân biệt thứ tự) gồm ít nhất 2 âm tiết khác nhau. Sau đây sẽ dùng toán học để chứng minh kết cấu chỉnh hợp có khả năng tạo ra tổng số đơn từ lớn hơn tổng số âm tiết của ngôn ngữ. Khi ấy được bài toán tính số chỉnh hợp chập k của một tập hợp chứa n phần tử. nlà lượng âm tiết của ngôn ngữ; k là số âm tiết khác nhau trong một đơn từ, A là số lượng các chỉnh hợp (đơn từ) tạo ra từ n âm tiết. Kết quả A bằng n giai thừa (factorial) chia cho (n – k) giai thừa:

(n, k)  =   n! / (n-k)!

Rõ ràng A lớn hơn n rất nhiều; k càng lớn thì A càng lớn. Khi k=2 thì A= (n-1) n ; khi k=3 thì A=(n-2) (n-1) n…

Tóm lại, kết cấu chỉnh hợp có ưu điểm tạo ra số lượng đơn từ rất lớn, khiến cho ngôn ngữ  nghèo âm tiết vẫn làm được chữ biểu âm (chẳng hạn tiếng Nhật).

Ví dụ một ngôn ngữ có 415 âm tiết (n = 415), khi mỗi đơn từ là một chỉnh hợp 2 âm tiết (k = 2, như cityсемья) thì tổng số đơn từ A sẽ bằng (415-1)(415), tức 171810 đơn từ, quá nhiều so với 415 âm tiết. Khi k = 3 (như minister, привычка) được 70957530 đơn từ.

Giả thử Hán ngữ là ngôn ngữ đa âm tiết, mỗi từ 2 âm tiết, thì do có 171810 đơn từ nên không có chữ đồng âm. Tiếc rằng không thể cải tạo ngôn ngữ đơn âm tiết thành đa âm tiết. Người Nhật có thể chỉ dùng chữ Kana mà không dùng chữ Hán, nhưng vì để thừa kế di sản văn hóa cổ mà hiện nay họ vẫn dùng gần 2000 chữ Hán kết hợp với chữ Kana.

Kết luận   

Các trình bày nói trên đã chứng minh hai luận điểm của tác giả:

1– Ngôn ngữ đơn lập nếu nghèo âm tiết thì không thể làm được chữ biểu âm, nếu giàu âm tiết thì làm được chữ biểu âm. 

2– Ngôn ngữ đa lập dù nghèo âm tiết vẫn có thể làm được chữ biểu âm.

Từ đó giải đáp được các câu hỏi vì sao cùng là ngôn ngữ đơn lập mà tiếng Việt làm được chữ biểu âm còn tiếng Hán thì không; vì sao tiếng Nhật rất nghèo âm tiết lại làm được chữ biểu âm; vì sao phần lớn các nước đều dùng ngôn ngữ đa lập và chữ biểu âm.

Xin nói thêm: cho dù hiện nay chữ Hán vẫn bị phê phán, song cần thấy rằng chữ Hán là lựa chọn hợp lý của tổ tiên người TQ. Chữ Hán có tính biểu ý thích hợp với một đất nước quá rộng và đông dân, nói hàng trăm phương ngữ khác nhau, hơn nữa ngôn ngữ nói có quá nhiều chữ/từ đồng âm, nếu chỉ dựa vào thính giác thì rất khó phân biệt (nhưng không thể tránh được tình trạng này, bởi lẽ Hán ngữ nghèo âm tiết). Những lý do ấy không cho phép Hán ngữ dùng chữ biểu âm; từ đó suy ra chữ Hán sẽ không thể bị thay thế, –– nghĩa là chữ Hán sẽ không bao giờ bị từ bỏ. Giới học giả TQ ngày nay chấp nhận quan điểm Chữ Hán là báu vật của văn minh cổ đại lại là gánh nặng của văn minh hiện đại, nhưng người Trung Quốc sẽ không vì mang gánh nặng ấy mà tiến chậm trên con đường hiện đại hóa, bởi lẽ họ nổi tiếng cần cù, chịu khó, chịu khổ lại được tiếp nguồn sức mạnh to lớn của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm.

———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–———–

[1] 苏培成著 “二十世纪的现代汉语研究”, 书海出版社2001.

[2] Tiếng Việt : a, ac, ach, ai, am, an, ang, anh, ao, ap, at, au, ay ; ăc, ăm, ăn, ăng, ăp, ăt ; âc, âm, ân, âng, âp, ât, âu, ây (27 âm tiết). Tiếng Hán : a, ai, an, ang, ao (5 âm tiết).

 

In bài viết
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

VŨ TUẤN TRÌNH

Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn 
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

1
Bạn cần hỗ trợ?