Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện-Bộ GDĐT đưa tin:
Dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo; các chuyên gia, và các nhà khoa học.
Hợp tác quốc tế giúp nâng cao chất lượng, vị thế giáo dục Việt Nam
Báo cáo kết quả về hợp tác và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết: Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành Giáo dục; giúp nâng cao chất lượng, vị thế và uy tín của giáo dục và đào tạo Việt Nam, không chỉ ở tầm khu vực mà cả bình diện quốc tế.
Trong 10 năm qua, Bộ GDĐT đã chủ động và chủ trì đàm phán, thực hiện ký kết 161 Điều ước và Thỏa thuận quốc tế và thúc đẩy quan hệ với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia một số cơ chế tiểu vùng, khu vực và liên khu vực ASEAN, ASEM, APEC,... góp phần nâng tầm hợp tác quốc tế trong GDĐT.
Kể từ năm 2013 đến năm 2023 đã có trên 3.500 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên được ký kết giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam với nước ngoài. Các văn bản ký kết này đã tạo điều kiện mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam.
Hợp tác đa phương được đẩy mạnh. Việt Nam luôn là thành viên tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực có hoạt động về giáo dục như UNESCO, UNICEF, SEAMEO, ASEAN, APEC, ASEM… Các tuyên bố chung, các cam kết quốc tế đều được ngành giáo dục của Việt Nam nghiêm túc thực hiện.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam đã thực hiện nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á năm 2013-2014 với chủ đề "Học tập suốt đời: Chính sách và triển vọng"; Chủ tịch hợp tác giáo dục của ASEAN năm 2022-2023 với chủ đề “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Phạm Quang Hưng báo cáo tại Hội thảo
10 năm qua cũng ghi dấu nhiều kết quả nổi bật về đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngoài ngân sách. Giai đoạn 2013-2022, có 3.535 người là giảng viên các trường đại học và cao đẳng đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở bậc trung học phổ thông, đại học và sau đại học, tương đương khoảng 40.000 người đi học mỗi năm (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013).
Số lượng lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam cũng tăng lên trong 10 năm qua, với số lượng hiện khoảng 22.000 người, trong đó lưu học sinh diện Hiệp định gần 4000 người.
Thực hiện Nghị quyết 29, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu. Theo số liệu Bộ GDĐT đang quản lý, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với các giải pháp tương đối toàn diện và đồng bộ, hoạt động đầu tư vào giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến dài sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 6 năm 2022, tổng vốn FDI trong lĩnh vực giáo dục trên cả nước là hơn 4,5 tỷ USD với 605 dự án đến từ 33 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ của các cơ sở đại học chiếm tỷ lệ nhỏ
Nhìn lại 10 thực hiện Nghị quyết 29 về mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ”, ông Trịnh Xuân Hiếu - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GDĐT cho hay: 10 năm qua, hành lang pháp lý cũng như một số chính sách cụ thể đã được ban hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần thực hiện mục tiêu chung về phát triển giáo dục đại học đã được nêu trong Nghị quyết.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trịnh Xuân Hiếu báo cáo tại Hội thảo
Với quan điểm xuyên suốt nguồn lực con người là quan trọng nhất, trong những năm qua, đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ của nước ta đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2019, số lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển của Việt Nam tăng mạnh, từ 167.746 lên 185.436 người, tỷ lệ tăng đạt 10,5%. Trong đó, số lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển hoạt động trong các cơ sở giáo dục đại học tăng từ 77.841 người (năm 2015) lên 96.400 người (năm 2019).
Tiềm lực khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học được thể hiện thông qua số lượng và chất lượng, cũng như loại hình các tổ chức khoa học, công nghệ. Tính đến năm 2021, cả nước đã hình thành được 47 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và cơ sở ươm tạo khác, 43 vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp, 636 doanh nghiệp khoa học, công nghệ được thành lập trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn 2021-2023 đạt trung bình 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Quý Thanh trao đổi tại Hội thảo
Hiện nay nhân lực nghiên cứu và phát triển trong các cơ sở giáo dục đại học chiếm khoảng 50% so với cả nước, chất lượng nguồn nhân lực cũng được đánh giá có trình độ cao hơn so với các khu vực khác, số lượng các sản phẩm khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học đóng góp cho tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia tương đối lớn.
Tuy vậy, chi ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng chi ngân sách sự nghiệp khoa học, công nghệ của cả nước. Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT cũng được đầu tư thấp hơn so với một số bộ, ngành khác.
Mặc dù kinh phí được đầu tư cho nghiên cứu hàng năm rất hạn chế và có xu hướng giảm, nhưng với tiềm lực, năng lực và động lực tự nghiên cứu, số lượng và chất lượng các công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước đều tăng mạnh, đặc biệt đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của các công bố theo chất lượng của các tạp chí.
Năm 2021, các cơ sở giáo dục đại học chiếm tới 95,78% số lượng công bố quốc tế trên Scopus, tương ứng với 17.625 công bố, góp phần đưa xếp hạng của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 Châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus. Năm 2022 trong số 10 tổ chức có số lượng công bố trên Scopus cao nhất Việt Nam thì có tới 9 cơ sở giáo dục đại học.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao đổi tại Hội thảo
Nếu như từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết số 29, các cơ sở giáo dục đại học hầu như vắng bóng trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế thì theo kết quả xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS , Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Năm 2022, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Từ kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về khoa học và công nghệ, cũng như như những hạn chế, khó khăn đặt ra, tại Hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, nhà khoa học đã có những trao đổi về định hướng trong giai đoạn tiếp theo.
Trong đó, nhấn mạnh tới việc cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho nghiên cứu khoa học; thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa cơ sở đại học với các viện nghiên cứu; hình thành những trung tâm nghiên cứu mạnh; quan tâm và tập trung cho đào tạo nhân tài…
Nguồn lực lớn hơn, cơ chế tốt hơn, kết quả sẽ nhiều hơn nữa
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, góp ý của đại diện các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học tại Hội thảo. Các ý kiến đều đánh giá cao dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 nội dung về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, trong đó nhấn mạnh những chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo qua 10 năm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo
Theo Thứ trưởng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, đầu tư nguồn lực cho khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế có hạn, song so với cách đây 10 năm hoạt động khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế đã có sự thay đổi lớn. Những kết quả này là sự khích lệ, là niềm tin để trong tương lai, nếu có nguồn lực đầu tư lớn hơn, cơ chế tốt hơn, các kết quả sẽ nhiều hơn nữa.
Với các ý kiến thảo luận tại Hội thảo tập trung vào một số nhóm vấn đề về chủ trương, chính sách chung; về việc hoàn thiện thể chế; tăng cường nguồn lực đầu tư; quan tâm tới yếu tố con người, thu hút, đào tạo và trọng dụng nhân tài; vấn đề về chuyên môn, học thuật; vấn đề về quản lý nhà nước… Thứ trưởng đề nghị các đơn vị đầu mối xây dựng báo cáo ghi nhận đầy đủ và xem xét tiếp thu phù hợp.
Thứ trưởng cũng mong muốn, các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ sở giáo dục đại học, các Sở GDĐT, các chuyên gia, nhà khoa học… sau Hội thảo này sẽ tiếp tục tham góp ý kiến bằng văn bản hoặc trao đổi để Bộ GDĐT tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.