BÌNH DƯƠNG: ĐIỂM ĐẾN CỦA HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); dân số 1.802.500 người (Tổng cục Thống kê – tháng 10/2014);09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (48 xã, 41 phường, 02 thị trấn).
Thuở ban đầu thời mở đất phương Nam, Bình Dương là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình được đổi thành phủ thì Bình Dương được nâng lên một trong bốn huyện của phủ này. Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập nhưng không phải trùng với địa bàn của huyện Bình Dương xưa kia. Đến năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, nhưng cũng không phải hoàn toàn là địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975. Như vậy, trong lịch sử, Bình Dương là tên gọi của những đơn vị hành chính theo những cấp độ khác nhau (tổng, huyện, tỉnh) với những địa bàn lãnh thổ khác nhau. Vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam Bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân miền Đông Nam bộ, nhưng đồng thời Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, có những điều kiện sinh thái đặt biệt nên cư dân Bình Dương có những đặc điểm riêng từ lịch sử hình thành đến kỹ năng nghề nghiệp.
Vùng đất Bình Dương từ lâu đã được biết đến với hình ảnh nhộn nhịp của sự giao thương và hội tụ từ nhiều vùng miền trong cả nước. Dưới thời thuộc địa của Pháp, như cách gọi của người đương thời, đó là tỉnh lỵ của một
“tỉnh miệt vườn” thuần nông, chỉ có hai trục giao thông chính là sông Sài Gòn và Quốc lộ 13, dân số chỉ vài vạn người, chủ yếu là nông dân.
Khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ít ai nghĩ rằng Bình Dương sẽ vượt lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Bình Dương khi đó chỉ là một tỉnh thuần nông, người dân nhiều đời gắn bó với ruộng đồng, cây trái. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn quá nhỏ bé. Tuy nhiên, từ thời khắc lịch sử, Ngày tái lập tỉnh (01/01/1997), Bình Dương đã trỗi dậy với chủ trương đổi mới được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương, nhà máy mọc lên khắp nơi, nguồn nhân lực bốn phương quy tụ về... Kinh tế - xã hội của Bình Dương bắt đầu đạt những thành tựu đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa đã được hình thành rõ nét.
Bình Dương đã biến vùng đất thuần nông, khô cằn, kém hiệu quả trở thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An, … Bằng những chính sách phù hợp, đến tháng 10 năm 2014, Bình Dương đã thu hút được 2.356 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn là 20 tỷ 200 triệu đô la Mỹ, trên 17.000 doanh nghiệp trong nước. Nhiều khu đô thị và dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành, trong đó tiêu biểu nhất là thành phố mới Bình Dương với điểm nhấn là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh đã chính thứcđi vào hoạt động từ ngày 20/02/2014.
Không chỉ ấn tượng bởi kinh tế phát triển, năng động, vùng đất Bình Dương xưa và nay còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển rất phong phú, đa dạng, có nhiều nét chung hòa quyện vào lịch sử - văn hóa phương Nam nhưng vẫn giữ được những nét riêng rất độc đáo, tạo ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dân. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 11 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp quốc gia, 39 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp tỉnh. Trong tiến trình phát triển vùng đất mang đậm nét văn hoá làng nghề thủ công truyền thống, Bình Dương tạo dấu ấn sâu sắc với các sản phẩm thủ công được chế tác từ những làng nghề nổi tiếng đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm. Tiêu biểu nhất trong số đó là những nghề đã có từ rất sớm và phát triển mạnh ở đất Thủ – Bình Dương như: Làng gốm sứ ở Lái Thiêu, Tân Phước Khánh; làng mộc, chạm khắc gỗ ở Chánh Nghĩa, Phú Thọ; làng sơn mài ở Tương Bình Hiệp…
Ngoài ra, đến với Bình Dương, các du khách còn được tham quan các danh lam, thắng cảnh, khu du lịch sinh thái, tham gia các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt khách thập phương như: Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (thành phố Thủ Dầu Một), vườn trái cây Lái Thiêu với đặc sản là măng cụt và sầu riêng (thị xã Thuận An), khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến, khu du lịch Núi Cậu – Lòng hồ Dầu Tiếng,…; cùng thưởng thức vị ngon đặc trưng của ẩm thực Bình Dương, thương hiệu Bánh bèo Mỹ Liên (Chợ Búng, phường An Thạnh, thị xã Thuận An) có lịch sử hơn 100 năm, được công nhận là một trong 10 món
đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á…
Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, đất và người Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục tạo được hình ảnh và ấn tượng sâu sắc trong lòng của bạn bè quốc tế. Đó không chỉ là sự ấn tượng bởi kinh tế phát triển, năng động, của một môi trường đầu tư thông thoáng mà còn ở đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của người Bình Dương đã thể hiện thông qua các sản phẩm thủ công vừa đẹp mắt, vừa tinh tế, chuyển tải trong đó những thông điệp đối ngoại tốt đẹp ra thế giới.
Bình Dương luôn là vùng đất của hội tụ. Thế và lực của Bình Dương hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo không ngơi nghỉ của bao lớp cư dân trên vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử. Đó là hành trang, là vốn liếng quan trọng để Bình Dương cất cách trong thời kỳ mới – thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
(Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp)