Điện thoại: 0918154511 - Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
banner_thang_11abanner_thang_11bb28-9-2023do_qpbanner_thang_11cbanner_thang_11d
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CÁ NHÂN CỦA THẦY VŨ TUẤN TRÌNH TRƯỜNG THPT LÊ LỢI - BẮC TÂN UYÊN - BÌNH DƯƠNG. CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT THẬT THÚ VỊ!

Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

BÀI 5: KIẾN THỨC PHỔ THÔNG VỀ PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN
1. Một số khái niệm
− Phòng không nhân dân:
Là tổng thể các hoạt động và biện pháp phòng không để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo tồn tiềm lực chiến tranh.
− Thế trận phòng không nhân dân:
Là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.
− Địa bàn phòng không nhân dân:
Địa bàn phòng không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong hệ thống phòng thủ của cấp tỉnh và quân khu.
2. Vị trí, chức năng và nguyên tắc tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân
− Vị trí, chức năng:
Phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
− Nguyên tắc tổ chức và hoạt động:
+ Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
+ Tổ chức, hoạt động phòng không nhân dân do hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang thực hiện, trong đó bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt.
+ Công tác phòng không nhân dân được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện khi có biểu hiện, hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch.
3. Tổ chức lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân
− Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân gồm:

TT

Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân

1

Lực lượng trinh sát, quan sát, thông báo, báo động phòng không.

2

Lực lượng nguỵ trang, sơ tán, phòng tránh

3

Lực lượng đánh địch xâm nhập, tiến công đường không.

4

Lực lượng phục vụ chiến đấu, bảo đảm phòng không nhân dân.

5

Lực lượng khắc phục hậu quả, cứu hoả, cứu thương, cứu sập.

II. MỤC TIÊU, THỦ ĐOẠN TIẾN CÔNG ĐƯỜNG KHÔNG CỦA ĐỊCH
− Mục tiêu đánh phá đường không của địch:

TT

Mục tiêu đánh phá đường không của địch

1

Trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

2

Bộ chỉ huy tác chiến chiến lược, chiến dịch.

3

Đài phát thanh, truyền hình, trung tâm thông tin viễn thông.

4

Khu công nghiệp quốc phòng và công nghiệp lớn, các nhà máy, đầu mối giao thông, sân bay, bến cảng, kho tàng, cơ sở hậu cần, kĩ thuật.

5

Lực lượng phòng không, không quân, hải quân, các khu vực tập trung quân và binh khí, trang bị của ta.

− Thủ đoạn tiến công đường không của địch:
+ Tăng cường hoạt động tình báo, trinh sát; bí mật, bất ngờ thời điểm mở đầu tiến công.
+ Tiến công từ nhiều hướng, tiến hành đánh phá đồng loạt, liên tục, ác liệt cả ngày và đêm, tập trung lực lượng, phương tiện vào các chiến dịch tiến công hoả lực đường không.
+ Giành và giữ quyền làm chủ trên không, trên biển; tiêu diệt, phá huỷ tiềm lực quốc phòng của ta.
+ Phối hợp với chiến tranh tâm lí và các hoạt động khác.
III. HOẠT ĐỘNG PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN
1. Hoạt động phòng không nhân dân thời bình
− Thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phòng không nhân dân.
+ Ban chỉ đạo phòng không nhân dân được tổ chức thành lập ở bốn cấp: cấp Trung ương; cấp quân khu; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) thuộc địa bàn trọng điểm phòng không nhân dân.
+ Kế hoạch phòng không nhân dân được xây dựng từ thời bình ở cấp quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi tình hình thay đổi.
 + Xây dựng quy hoạch các đề án, dự án đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng không nhân dân và phòng thủ dân sự.
− Tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân.
Tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng không nhân dân cho tất cả các đối tượng, tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Tập trung vào các nội dung: Thủ đoạn đánh phá và phương tiện tiến công đường không của địch; tín hiệu thông báo, báo động phòng không nhân dân; quy cách hầm, hố cho cá nhân và tập thể; biện pháp nguỵ trang, phòng tránh, sơ tán; phương pháp xử trí tình huống cứu thương, cứu sập, chữa cháy và phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn.
− Tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân.
+ Tổ chức huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng tham gia công tác phòng không nhân dân, được tiến hành cả ban ngày và ban đêm, chú trọng huấn luyện đêm. Nội dung huấn luyện tập trung vào tính năng, kĩ, chiến thuật của các loại vũ khí, phương tiện tiến công đường không của kẻ thù; phương pháp, cách thức xây dựng hệ thống hầm, hào, công trình phòng tránh, sơ tán; biện pháp chống trinh sát, tác chiến điện tử của kẻ thù, cách đánh máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, đánh máy bay trực thăng đổ bộ đường không, đánh máy bay đến cứu giặc lái; các biện pháp, phương pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sức chiến đấu.
+ Tổ chức diễn tập phòng không nhân dân có thể theo hình thức diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập phòng không nhân dân kết hợp với diễn tập khu vực phòng thủ của các địa phương. Nội dung diễn tập phòng không nhân dân gồm diễn tập chỉ huy – tham mưu các cấp; tổ chức trinh sát, thông báo, báo động phòng không; tổ chức nguỵ trang, sơ tán, phân tán, phòng tránh; tổ chức đánh trả địch xâm nhập tiến công đường không; tổ chức khắc phục hậu quả.
− Xây dựng công trình phòng không nhân dân.
+ Xây dựng hệ thống các đài quan sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân, nhằm sẵn sàng phát hiện máy bay địch từ xa; kịp thời thông báo phòng không nhân dân trong khu vực bằng hệ thống loa, còi, kẻng,...
+ Xây dựng công trình phòng tránh, trú ẩn (hầm, hào,
công sự phòng tránh,...) cho tập thể, cá nhân tại nhà, nơi làm việc, nơi công cộng, trên đường đi,... Chú trọng những nơi tập trung, sinh hoạt đông người như trường học, bệnh viện, chợ, nhà ga, sân bay, bến cảng. Vận dụng sáng tạo nhiều biện pháp phòng tránh như mũ rơm, áo rơm; sử dụng các vật liệu tre, nứa để che, đậy, bảo vệ vũ khí, phương tiện sản xuất,...
+ Xây dựng vị trí sơ tán, phân tán; công trình nguỵ trang, nghi binh nhằm bảo đảm bí mật, phòng, tránh sự đánh phá của địch.
+ Xây dựng hệ thống các trận địa phòng không đánh địch tiến công hoả lực đường không, có trận địa chính thức và trận địa dự bị.
2. Hoạt động phòng không nhân dân thời chiến
− Tổ chức trinh sát, quan sát và thông báo, báo động phòng không nhân dân.
+ Các vọng quan sát phòng không (trên đỉnh núi, nhà cao tầng,…) thường xuyên quan sát, nhằm phát hiện địch tiến công từ sớm, từ xa; kịp thời thông báo, báo động về hướng đánh phá, số lượng, phương tiện,… tiến công đường không của địch. Chủ động thông báo, báo động kịp thời, rộng khắp bằng hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, còi điện, kẻng, loa,... được bố trí trên khắp các đường phố, khu công cộng; đường làng, ngõ xóm; các nhà máy, công trình.
+ Khi nghe thông báo, báo động địch tiến công đường không, mọi người nhanh chóng ẩn nấp để bảo đảm an toàn, hạn chế tổn thất khi địch đánh phá.
− Tổ chức sơ tán, phân tán phòng, tránh tiến công đường không của địch.
+ Sơ tán, phân tán thời gian dài đến khi tình hình ổn định: Thực hiện đối với trẻ em, người già yếu, phụ nữ mang thai ở vùng trọng điểm phòng không, những người không nhất thiết phải ở lại. Các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp dời đi nhưng vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.
+ Sơ tán, phân tán trong tình huống khẩn cấp: Thực hiện đối với các khu vực có nguy cơ địch tập trung đánh phá; người, phương tiện của các nhà máy, doanh nghiệp phải sơ tán, tiếp tục sản xuất để bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng và nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân.
+ Sơ tán, phân tán tại chỗ: áp dụng đối với lực lượng
bám trụ ở những địa bàn trọng điểm về phòng không
nhân dân để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đánh trả và khắc phục hậu quả do địch tiến công hoả lực đường không gây nên.
− Tổ chức đánh địch tiến công đường không.
+ Tổ chức toàn dân tham gia đánh địch trên không, trong đó các đơn vị súng máy phòng không các cấp (phòng không bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng,…) kết hợp với các tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh ở các làng, xã, nhà máy, công trình tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc.
+ Khi máy bay bị bắn rơi hoặc giặc lái nhảy dù, lập tức phát tín hiệu vây bắt giặc lái bằng các phương tiện sẵn có (gõ mõ, gõ kẻng,...); mọi người dân đều tham gia vây bắt giặc lái.
− Tổ chức khắc phục hậu quả và những thiệt hại do địch tiến công đường không.
+ Tổ chức cứu sập: Cứu sập được tổ chức ở từng nhà máy, cơ quan, khu phố; lấy lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt và phân làm hai loại là lực lượng cứu sập tại chỗ và lực lượng cơ động.
+ Tổ chức cứu thương: Cứu thương lấy lực lượng y tế làm nòng cốt, chia ra thành các tuyến: tuyến sơ cứu tại chỗ; tuyến cấp cứu ban đầu tại trạm xá, bệnh xá; tuyến bệnh viện huyện (quận); tuyến bệnh viện tỉnh, thành phố và Trung ương.
+ Tổ chức chữa cháy: Chữa cháy lấy lực lượng phòng cháy chữa cháy làm nòng cốt kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ và quần chúng ở cơ sở.
+ Ổn định đời sống: Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp chủ động công tác khắc phục hậu quả; phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khu vực bị đánh phá sửa chữa nhà cửa, bố trí nơi ở tạm thời,... nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

1. Trách nhiệm của công dân
− Trách nhiệm của công dân.
+ Thực hiện nghiêm kế hoạch phòng không nhân dân của ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; các văn bản pháp luật về phòng không nhân dân ở địa phương.
+ Tham gia huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ phòng không nhân dân theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương khi được huy động.
+ Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết về phòng không nhân dân.
+ Cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ những người bị ốm, tai nạn, bị thương, hi sinh,... khi tham gia lực lượng phòng không nhân dân.
2. Trách nhiệm của học sinh
− Trách nhiệm của học sinh.
+ Thường xuyên học tập nâng cao nhận thức về vị trí,
chức năng và nội dung hoạt động của phòng không nhân dân.
+ Thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường về công tác phòng không nhân dân.
+ Cùng với nhà trường tham gia xây dựng hầm, hào trú ẩn, đan mũ rơm,...; thực hiện các biện pháp nguỵ trang và quy định giữ bí mật của nhà trường.
+ Thực hiện kế hoạch sơ tán, phân tán của nhà trường và tham gia học tập đầy đủ tại nơi sơ tán; tín hiệu thông báo, báo động về phòng không nhân dân.
+ Tham gia khắc phục hậu quả, thiệt hại do địch đánh phá, nhanh chóng ổn định tình hình học tập.

In bài viết
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

VŨ TUẤN TRÌNH

Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn 
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

1
Bạn cần hỗ trợ?