Nhân dân các xã thuộc Bắc Tân Uyên tham gia bầu cử Quốc hội, thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” nhằm chống “giặc đói”, chống “giặc dốt” phát triển rầm rộ. Được sự chỉ đạo của cấp trên, dân công các xã vùng Bắc Tân Uyên xuống Kinh Ba (Long An) chở gạo, khô, mắm cùng các loại thực phẩm khác nhằm phục vụ kịp thời cho các cơ quan tập trung về khu căn cứ kháng chiến ngày càng nhiều.
1. Giai đoạn 1945-1946:
1.1. Bắc Tân Uyên khắc phục khó khăn, xây dựng chiến khu Đ
- Góp phần thành lập chiến khu Đ: Bắc Tân Uyên với ưu thế về địa quân sự, là vùng phụ cận Sài Gòn trên hướng Bắc và Đông Bắc. Đêm 22/10/1945, hay tin quân Anh chuẩn bị đánh lên Biên Hòa, Ủy ban kháng chiến miền Đông rút ra Xuân Lộc rồi Phan Thiết. Một bộ phận lực lượng vũ trang gồm 40 người và 30 súng trường do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy kéo về vùng Tân Tịch (Thường Tân), Đất Cuốc, dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống Pháp. Thành lập Trại huấn luyện quân sự tại Miếu Bà (nay thuộc xã Đất Cuốc), hàng trăm thanh niên tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân được trang bị những kiến thức quân sự cơ bản, đến tháng 11/1945, "Bộ đội Huỳnh Văn Nghệ" tổ chức thành 4 phân đội, gọi là "Vệ quốc đoàn Biên Hòa". Phân đội 1 được bố trí hoạt động ở vùng căn cứ thuộc các xã Tân Hòa, Mỹ Lộc (nay là Tân Mỹ); Thường Lang, Tân Tịch (nay là Thường Tân), Lạc An. Trong thời gian này, Trường huấn luyện du kích tỉnh Biên Hòa từ ấp Vĩnh Cửu chuyển về Gành Rái sau đó về Sở Tiêu, gần trại huấn luyện Đất Cuốc. Cùng với Trại huấn luyện Đất Cuốc, Trường huấn luyện Sở Tiêu đã góp phần đào tạo các cán bộ nòng cốt cho phong trào du kích địa phương trong toàn Tỉnh. Tháng 11/1945, Nguyễn Bình được Trung ương cử vào phụ trách công tác quân sự ở Nam Bộ, nhận rõ vị trí, địa thế thuận lợi của vùng Bắc Tân Uyên, đồng chí đã thảo luận với Ban Chỉ huy "Vệ quốc đoàn Biên Hòa" về việc chọn khu vực Lạc An lập căn cứ địa cho toàn khu.
- Việc xây dựng căn cứ được triển khai có hệ thống, các cơ quan, đơn vị, công xưởng… đóng từng khu vực và mang mật danh: A (căn cứ giao thông, liên lạc đóng ở Giáp Lạc); B (căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang); C (Khu bộ đội thường trực đóng ở Ông Đội; D (khu tổng hành dinh khu 7 đóng ở hố Ngãi Hoang). Lúc đầu, Đ là mật danh của Tổng hành dinh của Khu 7 nằm trong hệ thống các căn cứ của Khu. Về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ cả vùng chiến khu rộng lớn ở miền Đông Nam Bộ (chiến khu Đ - một tổ chức hành chính - quân sự của các tỉnh: Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn - do Trung tướng Nguyễn Bình làm khu trưởng, Trần Xuân Độ làm chính trị ủy viên khu)
- Tóm lại, trong điều kiện hết sức thiếu thốn, khó khăn, các cơ quan kháng chiến và đơn vị vũ trang đã tập hợp ở vùng Bắc Tân Uyên với quyết tâm xây dựng căn cứ kháng chiến rộng lớn, lâu dài (Chiến khu Đ). Đi đôi với công tác xây dựng căn cứ, mọi hoạt động hậu cần được triển khai có kết quả, đáp ứng được nhu cầu đối với một căn cứ kháng chiến.
1.2. Bắc Tân Uyên thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, đánh địch tại chỗ
- Ngày 24/01/1946, quân Pháp chiếm thị trấn Tân Uyên trong cảnh vườn không, nhà trống. Pháp tái lập cai tổng (chính quyền quân sự địa phương), chúng xây dựng một số yếu khu ở thị. Quận ủy thành lập 4 tổ ám sát hoạt động ở các xã, khu vực liên xã. Trong đó, tổ ám sát 1 hoạt động ở khu vực các xã Tân Hòa, Mỹ Lộc (nay là Tân Mỹ), Tân Nhuận (Uyên Hưng), Tân Tịch, Thường Lang (nay là Thường Tân), Lạc An, do Võ Văn Trảo làm Tổ trưởng với biên chế gọn nhẹ, tỏa về các địa phương, cảnh cáo, trừng trị bọn Việt gian, tay sai khét tiếng tàn ác có nợ máu với cách mạng.
- Ngày 18/4/1946, Pháp đưa 7.000 lính có xe tăng, thiết giáp, do tướng Lơlec (Le Clerc) Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp chỉ huy bao vây vùng Phước Hòa (nay thuộc Phú Giáo), Lạc An (Bắc Tân Uyên, từ ngày 19, 20, 21/4/1946, quân Pháp chia làm nhiều cánh hành quân qua các nơi như đồn Kiểm Lâm, Giáp Lạc (nay thuộc Tân Mỹ, Lạc An), Đất Cuốc… Quân ta vây đánh địch từ nhiều hướng, tiêu diệt, làm bị thương gần 100 tên. Sau trận này, Pháp bao vây nhằm tiêu diệt lực lượng ta, ta đã nghi binh đánh lạc hướng, rút tất cả lực lượng một cách an toàn.
- Từ giữa năm 1946, xung quanh căn cứ Chiến khu Đ, Pháp đóng thêm đồn bót như Nhà Nai, Tân Lợi, Tân Hòa, Đất Cuốc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An, Rạch Đông (Thường Tân) kéo dài đến dốc Bà Nghĩa, cổng Nhà Thiếc, Bình Mỹ, Cổng Xanh (Tân Bình); Tân Trạch, An Chữ (Bạch Đằng); Rạch Tre (Uyên Hưng), chúng liên tục mở nhiều cuộc càn quét hòng tiêu diệt một bộ phận vũ trang của ta còn bám trụ.
- Tháng 5/1946, Tỉnh ủy mở Hội nghị quân sự tỉnh tại xóm Đèn (xã Tân Hòa nay là Tân Mỹ). Hội nghị đã ra nghị quyết về hai vấn đề lớn: Thống nhất các lực lượng vũ trang gồm: "Du kích Sở Tiêu", "Vệ quốc đoàn quận Châu Thành", "Vệ quốc đoàn Biên Hòa", (sau có thêm "Vệ quốc đoàn quận Long Thành") thành "Vệ quốc đoàn Biên Hòa"; Xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ địa kháng chiến của Tỉnh.
2. Giai đoạn 1947-1954:
2.1. Bắc Tân Uyên phát triển lực lượng, tiến công địch, góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược
- Thực hiện chủ trương chấn chỉnh lại lực lượng vũ trang tại Hội nghị Quân sự do Tư lệnh bộ Khu 7 mở Tháng 01/1947, Chi đội 10 tăng cường công tác xây dựng, bảo vệ căn cứ của tỉnh; chấn chỉnh lực lượng, tổ chức các trận đánh ra ngoài tiêu diệt địch, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm xây dựng phát triển đơn vị. Ngày 18/01/1947 đã chặn đánh quyết liệt, diệt 1 tiểu đội, thu nhiều đạn, thuốc men và 100 chiếc dù, khi chúng càn vào Tân Tịch và nhảy dù xuống Mỹ Lộc nhằm đánh úp cơ quan kháng chiến tỉnh.
- Tháng 5/1949, Quân khu 7 mở lớp huấn luyện đặc công tại Bà Đã (Tân Định) cho 85 học viên các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định. Đây là chiến thuật mới nhằm đánh vào hệ thống "tua" mà địch đang dựng lên chằng chịt khắp các nơi xung yếu. Tháng 6/1949, trung đội du kích tập trung do Huyện đội phó Cổ Tấn Chương chỉ huy đã đánh bất ngờ lấy bót Rạch Tre, thu hết súng đạn rồi đốt "tua". Sau trận này, địch kiên cố hóa tháp canh, lực lượng địch đóng giữ được tăng gấp đôi. Các đơn vị bộ đội và cơ quan dân chính tập trung cho sản xuất, lấy trồng trọt, chăn nuôi làm chính, mở rộng thu thuế sản xuất trong căn cứ, thuế các loại hàng hóa bán vào vùng bị tạm chiếm, thuế thu ở vùng du kích, ở các sở cao su nhằm phá thế bao vây kinh tế của địch. Cuối năm 1949, Chiến khu Đ được mùa lớn. Số lúa thu hoạch trong Chiến khu tăng gấp 20 lần so với năm 1947. Nông dân phấn khởi lập "bồ lúa kháng chiến", "bán chịu chờ ngày độc lập lấy tiền sau". Các sinh hoạt trong Chiến khu dần dần ổn định trở lại. Dọc bến Chang Chang, bàu Ông Iểng, Sình,… hình thành những trung tâm dân cư, có các hiệu tạp hóa, ăn uống, chụp hình, cắt tóc, may đo… thu được những thành tích đáng kể trong việc bảo vệ căn cứ, bảo vệ dự trữ kháng chiến đáp ứng yêu cầu chung.
- Tóm lại, từ đầu năm 1947 đến cuối năm 1950, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Huyện ủy Tân Uyên, phong trào cách mạng ở Bắc Tân Uyên không ngừng phát triển. Hệ thống tổ chức Đảng được xây dựng và phát triển nhanh. Lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích từng bước trưởng thành và hoạt động chiến đấu chống bình định, lấn chiếm, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch.
2.2. Bắc Tân Uyên khắc phục khó khăn, đẩy mạnh kháng chiến, tiến công địch mọi mặt, góp phần giành thắng lợi trên chiến trường toàn Tỉnh (1951 - 7/1954)
- Tháng 9/1951, Hội nghị cán bộ lần thứ nhất tỉnh Thủ Biên họp tại suối Sâu (Đất Cuốc). Tham dự Hội nghị có trên 100 cán bộ từ Tỉnh ủy, đến các huyện ủy, Thị ủy, cán bộ nòng cốt các ban ngành, đoàn thể, đơn vị vũ trang trong Tỉnh. Sau Hội nghị, Tỉnh ủy họp Hội nghị bất thường rà soát lại công tác tổ chức, cán bộ và những hoạt động từ tỉnh đến cơ sở (thực hiện chỉ đạo của Trung ương cục miền Nam về quy hoạch, củng cố Chiến khu Đ )để đối phó có hiệu quả với kế hoạch “bình định gấp rút, phản công quyết liệt” của địch (Bondis thay Chanson)
- Sang năm 1952 xung quanh Chiến khu Đ, Pháp tiến hành thiết lập các hành lang chia cắt, lấn dần, đường liên lạc giữa Chiến khu với các vùng xung quanh luôn bị phục kích, phong tỏa gắt gao. Tháng 6/1952 tại Bà Đã thành lập Tiểu đoàn 320, xuất quân chuyến vận tải đầu tiên, tuyến hành lang dài 200-300km từ xóm Sình (Tân Lập) lên Lạc An, vượt sông Đồng Nai qua Vĩnh Cửu xuống rừng lá, Xuyên Mộc đến Bình Châu, Bình Thuận (mỗi lượt đi mất 7-8 ngày đêm). Đặc biệt năm này ta chịu một trận lũ lớn gây thiệt hại rất lớn cho chiến khu.
- Từ tháng 5 đến tháng 8/1953, giặc Pháp càn vào Chiến khu Đ bốn lần với lực lượng từ một đến hai tiểu đoàn, 24 lần đột kích cấp trung đội. Đặc biệt, tháng 6/1953, chúng dùng 2 đại đội bất ngờ thọc sâu vào Nhà Nai nhằm chụp gọn các cơ quan đầu não của ta, chúng kết hợp dùng máy bay ném bom, bắn phá và rải truyền đơn chiêu hàng thường xuyên. Trong căn cứ, bộ đội, du kích bị động đối phó với các trận càn của địch. Các cơ quan, cơ sở sản xuất lại phải liên tục di chuyển địa điểm trong điều kiện mùa mưa đi lại rất khó khăn. Hoa màu bị bắn phá hư hại đáng kể. Vì vậy, có hơn 1.000 nông dân các xã Thường Lang, Lạc An... lần lượt bỏ Chiến khu ra vùng tạm chiếm. Xung quanh Chiến khu Đ, địch gom dân tạo thành một vành đai trắng ven sông Đồng Nai và đường 16.
- Tháng 9/1953, Tỉnh ủy tổ chức “Hội nghị chỉnh lý phương châm” nhằm khắc phục sai lầm hữu khuynh. Hội nghị đã đưa ra một số nội dung cần khắc phục như: Đối với vùng tạm chiếm, ta tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh chính trị phục vụ cho dân sinh, dân chủ, đồng thời, khôi phục hoạt động vũ trang, kết hợp cả hai lực lượng "du kích mật và lộ", kết hợp diệt tề, trừ gian với hoạt động kiểu biệt động để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Tại Chiến khu Đ, đội vũ trang tuyên truyền tỏa ra hoạt động...Các căn cứ địa trong địa bàn tỉnh được củng cố và ngày càng mở rộng. Chiến khu Đ phát triển lên phía Bắc tới đường 14, phía Đông đến vùng Tà Lài, với diện tích khoảng 4.000km2.
- Ngày 15/8/1954, tại căn cứ Bàu Xuân (Chiến khu Đ), Tỉnh ủy Thủ Biên tổ chức Hội nghị bất thường, do đồng chí Nguyễn Quang Việt, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị tập trung bàn biện pháp thực hiện Hiệp định Giơnevơ và đề ra chủ trương công tác trong tình hình mới. Sau chín năm kháng chiến, hòa bình đã được lập lại. Ngày 25/8/1954, tại Nhà Nai ( Tân Thành), Tỉnh ủy Thủ Biên tổ chức lễ tiễn đưa đoàn quân lên đường tập kết, có hàng vạn người tham gia….
- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ, quân và dân vùng Bắc Tân Uyên - Chiến khu Đ giai đoạn 1945-1954 là cuộc kháng chiến gắn liền với việc xây dựng, củng cố, mở rộng vùng căn cứ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều quận, huyện, tỉnh lân cận đến Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam Bộ.
3. Dưới góc nhìn nghệ thuật lãnh đạo của Đảng:
- Giai đoạn từ năm 1947 – 1950, Bắc Tân Uyên tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát triển đấu tranh du kích và cùng toàn tỉnh đánh phá chiến thuật tháp canh của thực dân Pháp. Từ những thắng lợi trên trong giai đoạn này dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là huyện ủy Tân Uyên, phong trào cách mạng ở Bắc Tân Uyên không ngừng phát triển. Hệ thống tổ chức Đảng được xây dựng và phát triển nhanh. Lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích từng bước trưởng thành và hoạt động chiến đấu chống bình định, lấn chiếm, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch. Bằng nhiều cách đánh ngày càng có hiệu quả, ta đã tiêu diệt hàng loạt tháp canh của địch, góp phần làm thất bại âm mưu bình định, lấn chiếm của thực dân Pháp, xây dựng và giữ vững chiến khu, căn cứ kháng chiến. Vùng ta làm chủ được mở rộng ra các hướng, nối liền với các căn cứ địa, tạo thành địa bàn đứng chân cho các lực lượng vũ trang hoạt động, góp phần đưa cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới. Bên cạnh việc đánh địch, quân và dân chiến khu Đ còn phải đối phó với những loải thú dữ, tiêu biểu là cọp ba móng.
- Cuối tháng 6/1951, việc sắp xếp mọi mặt trong căn cứ vừa tạm ổn định thì địch tổ chức cuộc càn lớn, hàng trăm xe cơ giới và tàu chiến, có pháo binh, máy bay yểm trợ từ 4 mặt tiến công vào chiến khu. Theo phương án tác chiến đã được chuẩn bị quân ta đã tập kích, chặn đánh địch gây cho chúng thiệt hại nặng. Trong điều kiện cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn gây go, quyết liệt Hội nghị cán bộ lần thứ nhất tỉnh Thủ Biên họp tại Suối Sâu (Đất Cuốc) vào hạ tuần tháng 9/1951 đã góp phần củng cố tinh thần và ý chí chiến đấu, nâng cao nhận thực về công tác xây dựng Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể; đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Đặc biệt Tiểu đoàn 320 được thành lập thượng tuần tháng 6/1952 tại Bà Đã đã tạo điều kiện tiếp nhận kịp thời và có hiệu quả sự lãnh đạo và chi viện của Trung ương cho Nam Bộ đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn. Chiến khu Đ giữ thêm một nhiệm vụ quan trọng là làm một đầu cầu của con đường vận chuyển chiến lược từ Trung ương vào Nam Bộ. Ở chiến Khu Đ năm 1951 địch bao vây phong tỏa, kinh tế làm cho đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân rất cơ cực; sang năm 1952 bão lụt làm hoa màu thối rữa, cán bộ chiến sĩ ở Chiến Khu Đ bị đói ghê gớm - đây là một thử thách khắc nghiệt đối với tỉnh Thủ Biên nói chung và Bắc Tân Uyên nói riêng. Tuy nhiên với tinh thần chịu đựng, sự nổ lực vươn lên của những người nơi đây cộng với sự tương thân tương ái, giúp đỡ tứ các nơi đã từng bước đẩy lùi đói khát và bệnh tật; tinh thầ và ý chí chiến đầu tiếp tục được phát huy; vượt qua khó khăn, gian khổ, tích cực đánh địch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Vũ Tuấn Trình
---------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lịch sử Chiến tranh Nhân dân tỉnh Bình Dương (1945-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2014.
3. Lịch sử Công an tỉnh Bình Dương (1945 – 1975). Công an tỉnh Bình Dương. Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng, Tp. Hồ Chí Minh. 2005
3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930 - 1954), quyển 1 (1930 - 1945), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
4. Lịch sử Đảng bộ Huyện Tân Uyên (1930-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2016.
5. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003.
6. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1975-2010), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
7. Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng huyện Bắc Tân Uyên (1930-2015), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2019.
8. Sông Bé, Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Nhà xuất bản tổng hợp Sông Bé, 1990.
9. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Tân Uyên lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Điện thoại: 0918. 154511 - hoặc: 0977. 120048
Email: vutuantrinh@moet.edu.vn hoặc trinhvt@leloi.sgdbinhduong.edu.vn
Địa chỉ: Số 03, đường Tân Thành 37, khu phố 5, Thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.